Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 20 cho ý kiến về Báo cáo tóm tắt bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009, tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm của Chính phủ. Về Thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2008, trong 25 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, có 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra là tốc độ tăng GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP, tuyển mới trung học chuyên nghiệp, mức giảm tỷ lệ sinh, tạo việc làm mới, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ che phủ rừng, cung cấp nước sạch đô thị, tỷ lệ xử lý chất thải y tế. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước năm 2008 không đạt kế hoạch đã đề ra, nhưng cao hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tổng sản phẩm trong nước năm 2008 tăng khoảng 6,2% (năm 2007 là 8,46%), so với số báo cáo Quốc hội là 6,5-7%, thấp hơn so với kế hoạch là 7%. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 năm 2009 là 3,1%, tháng 4/2009 dấu hiệu tăng trưởng tiến bộ hơn là nhờ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với 5 nhóm giảm pháp…Tính đến ngày 29/4/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt gần 268,8 nghìn tỷ đồng; trong đó: cho vay nông, lâm, thủy sản chiếm 14,5%, công nghiệp xây dựng chiếm 40%, thương mại dịch vụ, vận tải,… khoảng gần 40%,… Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tương đối ổn định và dao động ở mức thấp. Phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ vì sao tình trạng giải ngân chậm, đầu tư dàn trải…vẫn chưa khắc phục được tốt hơn. Xung quanh chỉ tiêu tăng trưởng 5% năm 2009 hay mấy phần trăm cũng có nhiều vấn đề đặt ra chưa giải quyết được. Vì chỉ tiêu của chúng ta chủ yếu là tăng trưởng vốn. Nhưng nếu chỉ có thế thì hiệu quả của tăng trưởng thấp. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng: Trong tình hình vừa qua, ngoài vấn đề kích cầu, cần nhấn mạnh các biện pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Công tác quản lý điều hành của Chính phủ có nơi coi nhẹ việc chống lãng phí. Qua thực tiễn, thấy hiệu quả thực hiện chính sách là không được cao, chưa tương xứng với vốn bỏ ra. Có xã 63% hộ nghèo, cách thị trấn huyện 63km, cơ sở hạ tầng cơ bản là cao. Nhưng người dân ở đây đa số là người Kinh, không phải người dân tộc thiểu số. Có vấn đề quan liêu trong thực hiện chính sách hỗ trợ, chia đều, cào bằng. Đáng lo hiện nay là vấn đề thực hiện chính sách dàn trải, không nghiêm túc, thiếu trọng tâm. Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện bày tỏ đồng tình với ý kiến của ông Ksor Phước và việc thực hiện thời gian qua có nhiều việc rất tốt nhưng cũng còn nhiều việc chưa tốt. Ví dụ việc quan tâm đến y tế cơ sở, giáo dục mầm non. Chính phủ có 4 quyết định về cơ chế chính sách đặc thù, nhưng Bộ Y tế và Bộ giáo dục không triển khai được vì vướng khái niệm mức lương cơ bản không biết lấy mức nào là cơ bản mà tính phụ cấp 50%. Như vậy, việc ban hành văn bản không chuẩn dẫn tới không có hiệu lực trong thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Nếu không chỉ đạo tốt thì nền kinh tế khó đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2009. Vấn đề chính là đánh giá năng lực điều hành của Chính phủ. Về thực hiện các gói kích cầu chống suy giảm kinh tế chỉ nên xác định là ngắn hạn chứ không nên đưa thành dài hạn, hơn nữa cần đánh giá xem trong thời gian qua việc thực hiện các giải pháp có kịp thời không? Đạt hiệu quả như thế nào?…Nếu quản lý (cấp bù lãi suất, cho vay đổi mới công nghệ… ) không chặt chẽ cũng như các giải pháp khác kéo dài vài năm sẽ tạo nên vòng xoáy: lạm phát-suy giảm-kích cầu-lạm phát… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý: Kỳ họp tới, Quốc hội chủ yếu xem xét tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước 2008 và 4 tháng đầu năm. Về thực hiện kế hoạch kinh tế-xã năm 2008, có thể thấy rõ những tồn tại: Một là, công tác dự báo chưa tốt. Khả năng bao quát còn hạn chế. Do đó đi liền với tổ chức thực hiện có lúc còn lúng túng, chưa sát thực tế. Thứ hai là hệ thống thông tin còn chưa thật tốt; mỗi báo cáo một khác nhau dù cùng thời điểm. Đó là nguyên nhân dẫn đến các quyết sách đưa ra có thể không chính xác. Ngay từ bây giờ, phải nghiên cứu các vấn đề hậu suy giảm kinh tế để chủ động đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển đi lên để có được quỹ kích thích kinh tế và đối phó với tình hình kinh tế nếu xấu hơn. Đối với vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân: Sáu tháng đầu năm đã giãn. Những đối tượng phải nộp và những nguồn thu phải chịu thuế…Còn ý kiến khác nhau về thời gian 6 tháng cuối năm, Thường vụ không có ý kiến cụ thể. Tất cả các nội dung liên quan sẽ được trình ra Quốc hội.v.v… Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán ngân sách năm 2007./. |
Tiếp tục phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội: Phải có sự chỉ đạo chặt chẽ mới có thể đạt 5% tăng trưởng GDP năm 2009
55