Hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới: ô nhiễm môi trường và biện pháp khắc phục





* UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương của thành phố tích cực hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới năm 2009. Theo đó, sáng 6/6/2009 tất cả các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố đồng loạt ra quân hưởng ứng ngày Môi trường thế giới bằng các hoạt động cụ thể như tổng vệ sinh, trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh… Tại thị xã Sơn Tây, Thành phố sẽ tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới. Sau buổi lễ, các thành viên tham dự sẽ dọn dẹp vệ sinh, nhặt rác, phát quang bụi rậm, quét vôi lại các bờ hè, gốc cây… tại khu vực thành cổ Sơn Tây, các tuyến phố và trồng cây xanh trên 1 tuyến phố. Đồng thời, Thành phố cũng giao Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội, công ty Công viên cây xanh tổ chức việc thu gom rác thải, đặc biệt trên các tuyến phố chính, chăm sóc tốt vườn hoa, cây xanh; tăng cường tưới nước rửa đường, giảm thiểu bụi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

* Đi vào sản xuất thử vào tháng 6/2007, nhà máy đường, cồn, gas Long Mỹ Phát (LMP) đặt tại ấp 5, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ ( Hậu Giang ) đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Lý giải về việc ô nhiễm này, Ban giám đốc nhà máy cho biết: Đó là do hệ thống xử lý nước thải chưa được xây dựng hoàn chỉnh và hứa sẽ nhanh chóng khắc phục. Thế nhưng, sau hơn 2 năm họat động chính thức, nhà máy này càng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn. Giải thích về việc này, đại diện nhà máy cho rằng, do cán bộ sơ suất trong khâu quản lý chất thải nên để chất thải tuồn xuống đường cống chính dẫn ra sông chứ không phải là do cố ý. Trong khi người dân sống quanh khu vực hết sức bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước thì nhà máy lại rấp rút chuẩn bị lo mở rộng thêm diện tích và quy mô sản xuất. Việc nhà máy đường, cồn, gas LMP gây ô nhiễm môi trường đã hơn 2 năm nay mặc dù người dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu nhưng địa phương và các ngành chức năng vẫn chưa xử lý tới nơi tới chốn. Nay nhà máy còn được địa phương cho phép tiếp tục được mở rộng diện tích và quy mô sản xuất thì không biết tình hình ô nhiễm môi trường sẽ còn tăng lên đến mức nào?.

* Thái Bình đang thực hiện các giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Trước mắt, trong năm 2009, tỉnh bố trí nguồn vốn 45 tỷ đồng, tập trung xử lý nước thải 2 khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Phúc Khánh; chỉ đạo các ngành chức năng chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp với nguồn vốn của từng địa phương và quy hoạch mỗi thị trấn trong tỉnh một lò đốt rác. Năm nay, tỉnh cũng sẽ quy hoạch một nhà điện táng (nguồn vốn sẽ cân đối từ 3 nguồn trái phiếu Chính phủ, vốn sự nghiệp và ngân sách địa phương). Hiện tỉnh Thái Bình đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, 10 điểm công nghiệp làng nghề, diện tích đất sử dụng gần 2.000 ha với hoạt động của hàng nghìn doanh nghiệp chuyên dệt nhuộm, may mặc, sản xuất cơ khí, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng. Toàn tỉnh có 210 làng nghề đang hoạt động với nhiều loại hình khác nhau như: cơ khí, tái chế, thuỷ sản, chế biến nông sản thực phẩm. Đặc điểm chung là công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu, quy mô nhỏ, phân tán xen kẽ trong khu dân cư và đều không có hệ thống xử lý rác thải, nước thải… Trên địa bàn tỉnh còn có 22 bệnh viện đa khoa, thải ra mỗi tháng gần 34.000 m3 nước thải. Nhưng chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, còn hầu hết hết các bệnh viện mới chỉ xử lý nước thải sơ bộ qua hố ga, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng….

* Nhằm khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các lò sản xuất gạch thủ công, An Giang tổ chức sắp xếp lại họat động của các cơ sở, buộc tạm ngừng họat động một số cơ sở gây ô nhiễm nặng; từ nay đến năm 2013 sẽ đóng cửa 100% lò gạch thủ công trên địa bàn. Tỉnh tập trung tuyên truyền cho các chủ cơ sở khắc phục ô nhiễm môi trường, trước mắt trong năm 2009, buộc 350 lò thủ công thuộc 100 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng phải di dời, chuyển đổi công nghệ; đến năm 2010 buộc đóng cửa 724 lò thuộc 247 cơ sở ở các huyện Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú; còn lại 839 lò thủ công của 236 cơ sở phải khắc phục ô nhiễm để đến năm 2013 đóng cửa 100% lò gạch thủ công trên địa bàn An Giang. Tỉnh có chính sách khuyến khích như miễn giảm thuế… cho chủ lò gạch có nhu cầu chuyển đổi công nghệ sang xây dựng lò đốt trấu kiểu Thái Lan, lò Tuynel và các loại lò áp dụng công nghệ tiên tiến khác./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *