KTĐT – Chiều 19-5, người dân sinh sống tại phố Sơn Tây, quận Ba Đình, Hà Nội một phen hú vía khi chứng kiến gần như toàn bộ phần mái ngôi nhà cổ ở số nhà 148 Sơn Tây bị sập hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người nhưng 20 hộ dân cư trú tại địa chỉ trên đều buộc phải chuyển tới nơi ở mới an toàn. Nhờ nỗ lực của cơ quan chức năng quận Ba Đình, ngay trong đêm 19-5, các hộ dân bị sập nhà đã có nơi ở tạm tại các khu chung cư thuộc quỹ nhà của thành phố. Trước đó, người ta đã ghi nhận, đây là tòa nhà cổ có gần trăm năm tuổi và đang trong giai đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Hà Nội đâu chỉ có 1-2 tòa nhà được đánh giá là nguy hiểm, đang có nguy cơ xảy ra tai nạn như ngôi nhà ở 148 Sơn Tây. Kết quả điều tra sau đợt mưa ngập cuối năm 2008 cho thấy, thành phố đã phát hiện khoảng 77 công trình nhà ở 4-5 tầng đang ở trong tình trạng nguy hiểm, thuộc 23 khu tập thể lớn của Hà Nội. Con số này chưa bao gồm khu vực phía Tây Hà Nội. Các khu vực có chung cư nguy hiểm tập trung nhiều nhất là Thành Công, Giảng Võ (quận Ba Đình). Hầu hết các nhà này đang gặp nguy hiểm cấp C, D – mức cao nhất, và có nguy cơ bị sập đổ khi gặp các lực xô ngang lớn do dông, tố, lốc, động đất, mưa lũ… Cũng chẳng phải tới khi ngập lụt nặng, Hà Nội mới “phát hiện” 77 công trình nguy hiểm trên mà từ nhiều năm trước danh sách đen này đã xác lập. Thời gian trôi qua song số địa chỉ đen được “thanh toán” trên thực tế lại rất thấp. Từ sau đợt lụt cuối năm 2008 tới nay, mới có 3 khu nhà nguy hiểm ở quận Ba Đình và Đống Đa được phá để xây dựng mới. Khó khăn nhất trong việc xử lý quỹ nhà nguy hiểm, xuống cấp vẫn là ý thức người dân, nguồn kinh phí đầu tư và quỹ nhà tạm cư. Không ít khu nhà được các đơn vị chức năng đánh giá là nhà nguy hiểm ở cấp độ cao nhất và yêu cầu phải di dời khẩn cấp nhưng một số ít hộ dân lại không đồng tình ủng hộ. Do “tầng trên muốn đi, tầng dưới níu lại” nên tiến độ các dự án luôn dậm chân tại chỗ. Nhiều người dân sống ở nhà nguy hiểm muốn được tự chọn chủ đầu tư để cải tạo khu nhà của mình. Nhu cầu ấy là chính đáng song liệu người dân với không nhiều kinh nghiệm có thể vượt qua những rối rắm, lắt léo trong đầu tư xây dựng. Và, ai sẽ chịu trách nhiệm khi nhà đầu tư do dân chọn gặp trục trặc? Rõ ràng, đối tượng đứng mũi chịu sào ở đây vẫn phải là chính quyền địa phương. Cùng với chính quyền, người dân có quyền tham gia và giám sát toàn bộ quá trình cải tạo lại ngôi nhà của mình, đảm bảo sự công khai, minh bạch và quyền lợi tối đa cho người dân. Thêm một mùa mưa bão nữa lại tới, mối lo vẫn còn nguyên đó. Không chỉ nhiều người dân mà ngay chính quyền với trách nhiệm treo lơ lửng trên đầu cũng không thể ngủ yên trong ngôi nhà của chính mình.
Theo ANTĐ