KTĐT – Khi thành phố lên đèn cũng là lúc các chợ đêm di động khá nhộn nhịp, tấp nập với đầy đủ các mặt hàng trên các vỉa hè đường Láng, Đê La Thành, Chùa Bộc, Nguyễn Khánh Toàn… Khách hàng thường xuyên của các chợ đêm này chủ yếu là giới trẻ, sinh viên.
Tràn lan hàng hóa trên vỉa hè
Khoảng 19giờ, đường Nguyễn Khánh Toàn khá tấp nập với hàng chục gian hàng quần áo, dày dép, kính, sách vở, túi xách, đồ lưu niệm và những vật dụng thiết yếu.Chỉ cần một chiếc bạt, một ít hàng là đã trở thành một gian hàng kinh doanh miễn phí. Các gian hàng chiếm hết diện tích của vỉa hè, thậm chí “lấn sân” lên cả cây xanh, bờ rào. Xe cộ thoải mái để dưới lòng đường. Còn đường này ban đêm điện sáng trưng như ban ngày nên nhiều người tham gia giao thông khá tò mò về một chợ đêm di động kéo dài tới ba – bốn trăm mét, với đủ loại hàng hóa bày bán choán hết cả vỉa hè. Người bán thì hét giá “trên trời”, nhưng chỉ cần mặc cả một nửa số tiền là các chủ kinh doanh đã có thể bán.
Tại phố Chùa Bộc, không khí của các gian hàng di động bày bán trên vỉa hè khá nhộn nhịp, sôi động, chủ yếu là quần áo, dày dép, túi xách… Các gian hàng ở đây không “bành trướng” chỗ để hàng như trên đường Nguyễn Khánh Toàn mà bày chất đống lên nhau, tiết kiệm diện tích cho các gian hàng. Nhiều chủ kinh doanh thậm chí còn sử dụng cả những cột điện cao thế làm nơi treo hàng hoá. Xe cộ thoải mái để trên vỉa hè, khách tha hồ lựa chọn, thậm chí có thể mặc thử quần áo ngay trên phố. Tại tuyến phố này, khách đi bộ xem hàng khá đông, nên vỉa hè của tuyến phố này hầu như không còn chỗ trống… Có trường hợp cả người và xe đứng ngay dưới lòng đường để xem hàng.
Nguyễn Thanh Hoa (sinh viên ĐH Thương mại) cho hay, với túi tiền “hẻo” như của sinh viên thì “lượn” ở chợ đêm vỉa hè là phù hợp. “Mua ở đây giá chỉ bằng 2/3, thậm chí chỉ bằng một nửa so với những nơi khác. Ở nhiều quầy hàng treo luôn tấm biển bảng giá của các mặt hàng cho khách thoải mái lựa chọn. Có thể đồ ở các gian hàng này là đồ second hand nên mới có giá rẻ như thế” – Thanh Hoa kết luận.
Quán ăn vỉa hè mọc như nấm
Buổi tối cũng là cơ hội thuận tiện để các hàng ăn như cháo phở, bún miến, ốc nóng, bánh cuốn, bánh rán… hoạt động tràn lan, lấn chiếm vỉa hè. Dọc các tuyến đường Chùa Hà, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Đê La Thành…, hàng loạt quán ăn vỉa hè mở ra, khách khứa vào ra tấp nập. Tuy Hà Nội đã ghi nhận hàng nghìn ca tiêu chảy cấp, danh sách số ca mắc tả vẫn đang tăng lên hàng ngày, thế nhưng thức ăn trưng ra ngay bên lề đường bụi bậm mà khách hàng vẫn dễ tính ăn ào ào. Thật nguy hiểm bởi độ an toàn vệ sinh từ các quán ăn vỉa hè trong mùa dịch tiêu chảy thì không ai có thể kiểm soát được!.
Các hàng quán bán vào ban đêm, lấn chiếm vỉa hè theo kiểu chợ đêm di động gây ra tình trạng lộn xộn, gây ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự, dễ tạo điều kiện cho tình trạng móc túi, trộm cắp hoạt động. Đối với các hành vi chiếm dụng hè phố để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông, mức xử phạt chỉ từ 50.000 – 100.000 đồng. Lợi nhuận thu được từ việc buôn bán tại vỉa hè khá cao nên các chủ kinh doanh đều chấp hành nộp phạt để rồi lại tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi khi thấy lực lượng công an kiểm tra, xử lý các hàng quán ở xung quanh, các chủ kinh doanh khác được thông báo đã nhanh chóng thu gọn hàng hoá vào bao tải “phi tang”.
Chính vì vậy, việc kiểm tra, xử phạt rồi lại tái diễn vi phạm trở thành điệp khúc quen thuộc đối với các hàng quán hoạt động theo hình thức này. Trong khi các chợ tạm, chợ cóc đang dần bị xóa sổ thì việc vỉa hè bị biến thành những chợ đêm di động lại đang trở thành hình ảnh quen thuộc tại nhiều tuyến phố của Thủ đô.
Hồng Thái