KTĐT – Sáng 22-5, ông Nguyễn Văn Lưỡng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, ngay sau xảy ra hiện tượng cá chết ở hồ Trúc Bạch trong mấy ngày gần đây, Chi cục đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu nước ở hồ để phân tích các nồng độ nguy hại làm cho cá chết. Ông Lưỡng cũng thừa nhận, hồ Trúc Bạch bị ô nhiễm trầm trọng từ nhiều năm qua. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước của hồ này; trong đó, nguyên nhân chính là do ở đây có cửa cống thoát nước thải làm từ năm 2000 để giải quyết nạn úng ngập ở các phố Châu Long, Phạm Hồng Thái, Trúc Bạch. Thêm vào đó, một số nhà hàng kinh doanh ngay bên hồ đã xả thẳng chất thải xuống hồ mà không qua xử lý, ảnh hưởng đến sự sống của con người và các sinh vật khác sống tại đây. Ngoài ra, hồ Trúc Bạch đang bị bùn, đất từ Nhà máy nước Yên Phụ thải ra, đã lấp đầy một diện tích khá rộng ở lòng hồ phía cầu Ngũ Xã. Với tốc độ bùn lấp mặt hồ như hiện nay, chẳng mấy chốc cả hồ Trúc Bạch sẽ ngập đầy bùn, không sinh vật nào có thể sống nổi. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước một số hồ ao trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 100 ao, hồ đều trong tình trạng ô nhiễm, trong đó có 30 ao, hồ đáng báo động nhất. Một số hồ bị ô nhiễm nặng đã đưa vào danh sách hoặc đang nằm trong dự án cải tạo để bảo đảm vệ sinh và cảnh quan môi trường xung quanh, nhưng các dự án đó đều chậm và vướng giải phóng mặt bằng. Thực tế, ngay cả một số hồ dù đã được cải tạo, nhưng nước sinh hoạt của các hộ dân vẫn thải trực tiếp xuống hồ mà không qua xử lý, nên chỉ một thời gian sau các hồ đó lại rơi vào tình trạng ô nhiễm. Vì vậy, phải có hệ thống xử lý nước thải ở các hồ, mới giải quyết được tận gốc nguyên nhân gây ô nhiễm của các hồ hiện nay.
Theo TTXVN