Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn





* Quảng Ngãi chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng trong giai đoạn kết thúc dự án, để đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn IDA thuộc nguồn tài trợ ODA. Theo đó, các đơn vị, địa phương có trách nhiệm tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu, bàn giao công trình chậm nhất trước ngày 10/6; lập hồ sơ thanh toán, gửi Kho bạc Nhà nước cấp huyện và Ban quản lý dự án tỉnh trước ngày 30/6; lập thủ tục, trình cơ quan thẩm quyền quyết toán dứt điểm các công trình đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 30/9.

* Vĩnh Phúc quyết định dành hơn 100 tỷ đồng để kích cầu nông nghiệp; tập trung cho các lĩnh vực đào tạo, nâng cao kiến thức, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; phát triển giống cây trồng vật nuôi; xây dựng vùng trồng trọt, chăn nuôi hàng hoá tập trung; hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ chương trình cơ khí hoá nông nghiệp; phòng chống lụt bão và quản lý đê điều; tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ rừng…. Đây là số tiền đầu tư cho nông nghiệp lớn nhất từ trước đến nay nhằm tạo ra nhiều nhu cầu về sản xuất, nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai hiệu quả nhiều chương trình phát triển, phối hợp với các ngành chức năng ký hợp đồng cung ứng phân bón trả chậm với giá ưu đãi trên 3.500 tấn, cung ứng cho hàng chục ngàn hộ nông dân nghèo của 89 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Nông dân các huyện Tam Dương, Tam Đảo đưa trên 1.329 ha giống chất lượng cao, lúa đặc sản vào gieo cấy, áp dụng khoa học kỹ thuật trong thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế lên gấp 2 lần so với các giống lúa thường, tạo thành vùng nông sản hàng hoá tập trung lớn nhất toàn tỉnh. Các huyện Yên Lạc, Lập Thạch… đã hình thành hình thành các vùng trồng rau, cây cảnh tập trung, giải quyết tốt nhu cầu lương thực, cung ứng cho thị trường,

* Bình Định đầu tư 1,6 tỷ đồng để xây dựng 900 công trình khí sinh học cho cáchộ dân trong năm nay. Với mỗi công trình khí sinh học, người dân được hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Việc xây dựng công trình khí sinh học nhằm mục đích đảm bảo phát triển chăn nuôi lợn gắn với xử lý môi trường bền vững và đem lại nguồn nhiệt năng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân. Năm 2008, Bình Định đã xây dựng được 800 công trình khí sinh học. Thực tế cho thấy, hầu hết các công trình khí sinh học đều xây dựng đúng yêu cầu kỹ thuật, hoạt động mang lại hiệu quả cao và được đông đảo người dân từ thành thị đến nông thôn đồng tình hưởng ứng.


* Vĩnh Long huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hôi nông thôn gắn với phát triển đô thị, trong đó tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi gắn với nâng cấp mạng lưới giao thông nông thôn. Năm nay, Vĩnh Long tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi thực hiện các dự án vùng chuyên trồng cây ăn trái, vùng nuôi tồng thủy sản tập trung; thực hiện chương trình kiên cố hóa thủy lợi nội đồng, khép kín thủy lợi để nâng cao hiệu suất phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh đầu tư 45 tỷ đồng thực hiện các dự án, công trình trọng điểm gồm: đê bao vườn cây ăn trái xã Tích Thiện – Vĩnh Xuân, đê bao Rạch Tra – Thiện Mỹ (huyện Trà Ôn), nạo vét kênh Rạch Sâu, kênh Mây Phốp (huyện Vũng Liêm), thi công 4 cống đập, đê bao, kênh trục quy mô lớn tại 3 huyện Trà Ôn, Long Hồ, Mang Thít phục vụ bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái các xã cù lao, vùng nuôi trồng thủy sản xen ruộng lúa, hoàn thành kè bảo vệ bờ sông thị trấn Bình Minh (huyện Bình Minh). Ngoài ra, Vĩnh Long tập trung thi công các công trình giao thông nông thôn trọng yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản và thúc đầy phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề nông thôn./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *