“Các địa phương phải xác định nhu cầu, sau đó xác định địa điểm (lưu ý đến quy hoạch, tạo quỹ đất), chủ đầu tư và xác định nguồn vốn và phải có kế hoạch vốn cụ thể… để giải quyết những khó khăn về nhà ở cho nhân dân” – là những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đặt ra trong buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh thành và các Bộ, Ngành về nhà ở ngày 26/5. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, hiện nhiều địa phương đã chuẩn bị dự án cụ thể để tổ chức triển khai tạo lập quỹ nhà. Vấn đề quan trọng là quy trình thủ tục và cách thức triển khai ra sao? Còn nhiều vướng mắc Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS cho biết, Bộ Xây dựng đã nhận được bác cáo của 16 tỉnh, với tổng số 162 dự án, nhu cầu vốn lên tới 24.664 tỷ đồng, trong đó riêng nhu cầu vốn cho 107 dự án nhà ở cho sinh viên là 16.369 tỷ. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã chính thức “bắt tay vào việc”, tích cực triển khai nhưng vẫn còn một số địa phương chưa chuẩn bị tốt, chưa có danh mục dự án cụ thể.
Tại cuộc họp trực tuyến, đa số các địa phương đều cho rằng: Chủ trương của Chính Phủ đã tháo gỡ cho địa phương trong vấn đề giải quyết khó khăn về nhà ở. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ chế chính sách vào thực tế gặp cũng gặp không ít vướng mắc, băn khoăn mong Bộ Xây dựng giải đáp. Khó khăn lớn nhất là khó khăn về vốn. Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh “từ chủ trương chính sách đến thực tế cần được cụ thể hoá. Hiện nay chúng tôi tiếp xúc với nguồn vốn còn gặp rất nhiều khó khăn”. Đồng quan điểm với ông Nguyên, khi trao đổi với baoxaydung, Phó GĐ Sở Xây dựng Hoà Bình Trần Hồng Quang nhấn mạnh: chỗ ở cho sinh viên đang là vấn đề bức xúc của Hoà Bình. Thực tế hiện nay mới đáp ứng được 15% nhu cầu, 85% sinh viên còn lại phải đi thuê ngoài nhưng đi thuê cũng không có mà chỗ mà thuê. Để giải quyết vấn đề này, Hoà Bình đã chuẩn bị đầy đủ quỹ đất sạch nhưng khó khăn nhất hiện nay là về vốn. Nếu có vốn Hoà Bình sẽ lập tức khởi công dự án ngay trong quý III/2009. Vướng mắc liên quan đến quy hoạch cũng được nhiều địa phương đề cập. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Hà Nội chưa có quy hoạch cụm các trường đại học nên việc triển khai gặp vướng mắc. Còn Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM lại đề xuất được điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch 1/2000 của dự án Đại học quốc gia TP.HCM khi điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/500. Trong cuộc họp, các vấn đề về thiết kế mẫu điển hình, trình tự thủ tục cách làm, cách xác định đối tượng, vấn đề quản lý vận hành dự án…cũng được nhiều địa phương đề cập đến. Ông Bùi Vĩnh Kiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: “Bên cạnh ưu đãi hiện hành, cần có những ưu đãi mạnh hơn cho nhà ở công nhân. Mong Bộ sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn, giúp địa phương áp dụng vào thực tế.” Những khó khăn mang tính đặc thù của một số tỉnh miền núi như Đắc Lắc, Gia Lai, Thái Nguyên… cũng đã được trình bày tại cuộc họp. Đại diện tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Thái Nguyên có 25 trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp nằm dải rác trên địa bàn. Nếu quy định phải xây dựng KTX tập trung sẽ khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường ở quá xa khu trung tâm họ đề nghị được xây dựng KTX trong trường. Đề nghị Bộ xem xét. Cần triền khai quyết liệt, chủ động và linh hoạt Chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã lần lượt trả lời cách giải quyết vướng mắc của từng địa phương. Bộ trưởng phân tích: Đất dành cho dự án nhà ở sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp được đưa vào quy hoạch. Nếu trong quy hoạch của địa phương chưa dành ra quỹ đất này thì sẽ được điều chỉnh quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho một trong 3 đối tượng nêu trên. Xây dựng nhà ở cho SV, công nhân, người thu nhập thấp cũng là xây dựng và phát triển đô thị, vì vậy việc xây dựng phải theo quy hoạch và phải đồng bộ. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, chủ trương xây dựng KTX sinh viên tập trung để thuận lợi cho công tác quản lý vận hành. Nhưng thực tế, có địa phương trường nằm cách xa nhau, đề nghị Sở Xây dựng tham mưu cho tỉnh để xây dựng sao cho phù hợp.
“Bộ sẽ ban hành thiết kế mẫu nhưng việc xây dựng phải trên cơ sở thiết kế cụ thể, phù hợp với địa phương. Địa phương không nên trông vào thiết kế. Từ công tác chuẩn bị đầu tư đến công tác đầu tư, quản lý, vận hành sẽ được cụ thể hoá trong Thông tư. Trong tháng 6 tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 6 Thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Mỗi địa phương, vùng miền lại có đặc thù riêng mong các đồng chí chủ động”- Bộ trưởng yêu cầu. Bộ trưởng nhấn mạnh: các địa phương phải xác định nhu cầu, sau đó xác định địa điểm (lưu ý đến quy hoạch, tạo quỹ đất), chủ đầu tư và xác định nguồn vốn và phải có kế hoạch vốn cụ thể. Cũng theo Bộ trưởng, 107 dự án nhà ở sinh viên với nhu cầu vốn hơn 16 nghìn tỷ đồng là không thể triển khai được cùng một lúc. Các địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch và có những tính toán cụ thể, lựa chọn những dự án có tính khả thi, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, đối tượng để triển khai quyết liệt. |
Cần triển khai quyết liệt, chủ động và linh hoạt chương trình nhà ở
5