KTĐT – Sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai chương trình nhà ở sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố cùng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, từ khi Nghị quyết 18 của Chính phủ có hiệu lực, nhiều địa phương và doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị triển khai các dự án với cả 3 mô hình nhà ở. Điển hình như: Hà Nội xây dựng nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Việt Hưng; thành phố Hồ Chí Minh xây nhà sinh viên tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Bộ Quốc phòng, tỉnh Thái Nguyên đã chuẩn bị đủ điều kiện để khởi công một số dự án nhà ở sinh viên trong tháng 6 tới; Công ty CP Bê tông Xuân Mai (Vinaconex) tiếp tục các dự án nhà ở thu nhập thấp tại Xuân Mai và Vĩnh Yên.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số địa phương chưa thật sự nhập cuộc, chưa có các dự án cụ thể. Đối với các dự án nhà ở sinh viên, các địa phương mới dừng lại ở giải pháp xây dựng ký túc xá trong khuôn viên cơ sở đào tạo chứ chưa chú ý đến mô hình nhà ở sinh viên tập trung.
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, trong khi Nghị quyết 18 và Quyết định 65 đã yêu cầu các dự án nhà ở sinh viên phải được đầu tư theo hướng tập trung để trong khoảng thời gian ngắn và với nguồn vốn có hạn mới nhanh chóng giải quyết bức xúc chung của sinh viên trên phạm vi địa bàn. Nếu tiếp tục đầu tư mô hình ký túc xá theo từng trường sẽ manh mún, không đủ các điều kiện về hạ tầng xã hội mà cũng không giải quyết được khó khăn về nhà ở cho sinh viên một cách nhanh chóng. Vì vậy, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương cần xây dựng chương trình nhà ở cho sinh viên theo hướng tập trung tới 80%. Bộ Xây dựng cũng lưu ý các địa phương phải xác định được chủ đầu tư cụ thể của các dự án về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp để có tính khả thi cao, vì các dự án này đều được thực hiện theo phương thức xã hội hoá, huy động nguồn lực cụ thể của doanh nghiệp.
Nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án đã được các địa phương, đơn vị phản ánh với Bộ Xây dựng. Tỉnh Thái Nguyên tập trung tới 25 trường (đại học, cao đẳng, trung cấp nghề) nằm rải rác nên nếu phải xây dựng ký túc xá tập trung sẽ rất khó khăn bởi các trường hình thành trước, còn quy hoạch ký túc xá lại ra sau.Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng chuyển giao thiết kế mẫu để giảm thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt, Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ cho phép các dự án đã và đang triển khai những loại hình nhà này cũng được vận dụng cơ chế ưu đãi như quy định để khuyến khích nhà đầu tư. Đại diện Bộ Quốc phòng cũng xác định nhu cầu nhà ở cho học viên hiện rất cấp bách và đây là cơ hội tốt để triển khai phát triển quỹ nhà này. Hiện nay, tại một số học viện quốc phòng đang rất thiếu nhà ở cho học viên, nhiều nơi phải sử dụng giường tầng và nhiều khu nhà đã xuống cấp cần cải tạo lại. Vì vậy, đây cũng là thời cơ tốt để các học viện quốc phòng phát triển quỹ nhà phục vụ học viên và công trình đầu tiên sẽ chính thức khởi công tại Học viện Biên phòng, vào ngày 11/6 tới.
Theo báo cáo tập hợp từ 16 tỉnh, thành phố và hai Bộ Quốc phòng và Công an, giai đoạn 2009 – 2015 sẽ khởi công 107 dự án nhà ở cho sinh viên với tổng diện tích sàn xây dựng đạt 2.774.266 m2, giải quyết chỗ ở cho 439.000 người và nhu cầu đầu tư từ nguồn trái phiếu khoảng 16.369 tỷ đồng. Giai đoạn này cũng đầu tư xây dựng 30 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp, với tổng diện tích sàn 813.500 m2, để giải quyết chỗ ở cho 135.500 lao động.
Song Hà