Trang chủ » Triển khai Nghị quyết 18 về phát triển nhà ở xã hội: Cần sự chủ động của các địa phương

Triển khai Nghị quyết 18 về phát triển nhà ở xã hội: Cần sự chủ động của các địa phương

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments










“Chính phủ đưa ra cơ chế để hỗ trợ cho các đối tượng xã hội có điều kiện cải thiện chỗ ở tốt hơn, giải quyết an sinh xã hội. Để nhanh chóng triển khai, sớm đưa chính sách vào cuộc sống cần sự chủ động của các địa phương”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đối với các địa phương tại cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và các quyết định của Chính phủ về một số cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp, tổ chức ngày 26/5.


Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân: “Để nhanh chóng triển khai nhà ở xã hội,
cần sự chủ động của các địa phương”.        Ảnh: Việt Hùng





Cùng tham gia chỉ đạo trong cuộc họp trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, trong tháng 6 tới Bộ Xây dựng sẽ ban hành 6 thông tư hướng dẫn cụ thể hơn việc thực hiện các cơ chế chính sách của NQ 18 cũng như các QĐ để triển khai chương trình phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội. Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các nhóm công tác tới địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, cùng quyết tâm đẩy mạnh việc triển khai.



Có thể nói, việc Chính phủ ban hành NQ18 và các QĐ về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đối với các địa phương như “hạn gặp mưa rào”. Địa phương nào cũng có nhu cầu bức xúc cần phải giải quyết. Cũng chính vì bức xúc như vậy, nên ngay sau khi NQ18 và các QĐ của Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng đã quyết liệt triển khai tới các địa phương, vạch ra từng giai đoạn, các bước thực hiện, đưa chính sách sớm thành hiện thực. Ngay trong tháng 6 này, trên địa bàn của 16 tỉnh thành và các trường của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ có 16 dự án nhà ở cho SV có thể được khởi công xây dựng. Trong năm 2009 sang đầu năm 2010 sẽ có 64 dự án nhà ở sinh viên (SV) được khởi công xây dựng. Giai đoạn từ nay đến 2015 có tới 107 dự án nhà ở SV với nhu cầu vốn trên 16 nghìn tỷ đồng. Các địa phương trên cũng có 30 dự án nhà ở cho công nhân và 25 dự án nhà cho người thu nhập thấp sẽ được triển khai từ nay đến năm 2015.



Hai yếu tố quan trọng nhất để tạo quỹ nhà ở xã hội đó là vốn và đất. Nội dung của NQ 18 cũng như các QĐ đã tập trung vào vấn đề giải quyết vốn và tạo quỹ đất. Đất cho các dự án này đã chính thức được đưa vào quy hoạch của các địa phương, hoặc lấy từ quỹ đất 20% của các dự án đô thị. Đối với các dự án nhà ở SV Nhà nước sẽ bỏ tiền để đầu tư, ngay trong năm 2009 Nhà nước dành 8.000 tỷ đồng để triển khai một số dự án tại một số địa phương có nhu cầu cao như TP.HCM, Hà Nội để có thể tới năm 2010, đầu 2011 hoàn thành và đáp ứng chỗ ở cho 200 nghìn SV. Đối với nhà ở CN, nhà cho người TNT, Nhà nước tạo cơ chế, chính sách với các nhóm ưu đãi như về thuế, về đất, về tín dụng… thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.



Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, do Nhà nước đưa ra các ưu đãi nên cũng yêu cầu phải quản lý được để tránh sự lợi dụng cơ chế. Các địa phương phải chủ động trong việc xác định, quản lý rõ đối tượng được hưởng, chủ động trong trình tự, cách làm, đặc biệt cần xác định rõ nhu cầu, nguồn vốn để có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cũng như việc bố trí địa điểm các dự án, xác định rõ chủ đầu tư… như vậy mới khả thi. Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn chưa có quy hoạch cụm các trường, tuy nhiên TP đã chủ động bố trí xây dựng KTX tại 3 cụm trường khu vực nội thành (20ha tại Hoàng Mai), khu Tây Nam (14 ha tại Hà Đông) và khu  Tây Bắc (5ha tại Đông Ngạc) phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu các trường. TP.HCM trong tháng 6 cũng sẽ khởi công một số dự án nhà ở SV, dự kiến hoàn thành vào năm 2011, đáp ứng chỗ ở cho 100 nghìn SV.








TP.HCM có tới 230 nghìn SV ngoại thành cần chỗ ở, trong khi các KTX của các trường chỉ đáp ứng được 17%. Hà Nội có gần 550 nghìn SV cần chỗ ở nhưng KTX các trường cũng chỉ đáp ứng được 10%. Thanh Hóa có trên 60 nghìn SV nhưng cũng chỉ có 10% có chỗ ở…


Do đề cao tính chủ động của các địa phương nên một số khó khăn, vướng mắc được nêu lên từ các địa phương đã được Bộ Xây dựng giải đáp, tháo gỡ kịp thời. Cụ thể như về vấn đề quản lý, khai thác qũy nhà, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho rằng các địa phương phải tìm cách làm thế nào để bảo đảm vận hành cũng như bảo dưỡng, bảo trì. Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án cũng phải do các địa phương chủ động tính toán, làm sao giải quyết đồng bộ quy hoạch, xây dựng. Địa phương có thể dùng nguồn thu từ sử dụng đất để bù vào các dự án. Việc quy định các mẫu nhà cũng được hướng dẫn cụ thể, vấn đề quan trọng đó là căn cứ bảo đảm về kỹ thuật, mỹ thuật và giá thành thấp nhất, còn chủ đầu tư có thể triển khai theo dự án của mình. Đặc biệt đối với quỹ nhà cho người TNT, do khó xác định rõ đối tượng, chủ đầu tư không làm được việc này nên các địa phương phải chủ động quản lý chặt làm sao để đúng đối tượng được hưởng… Những vướng mắc sẽ tiếp tục được giải quyết khi có các thông tư hướng dẫn cụ thể hơn và Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp tham gia cùng các địa phương tháo gỡ.



Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục khảo sát nhu cầu, rà soát lại quỹ đất để xây dựng danh mục các dự án đáp ứng mục tiêu trước mắt cũng như về lâu dài. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cũng khẳng định sự quyết tâm của ngành Xây dựng và các địa phương sẽ đẩy mạnh chương trình này, đưa chủ trương chính sách của Nhà nước vào cuộc sống, nhất là khi cải thiện cuộc sống cho người dân.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.