Trang chủ » Tìm chốn dung thân

Tìm chốn dung thân





Vật giá có lúc xuống lúc lên, nhưng giá nhà trọ thì có lên chứ  không xuống. Tại TP.HCM, nhiều CBCNVC, người lao động từ các tỉnh đổ về đang tìm chốn “dung thân” và họ đang mong ngóng vào chương trình nhà ở xã hội, nhà giá thấp của Chính phủ.



 “Lận đận” tìm nhà trọ bình dân


Hơn một tháng nay, Phương nhận được thông báo lấy lại phòng của chủ nhà nơi đang trọ. Cô phải “lận đận” hàng ngày tìm nơi trọ mới, mà mãi chưa tìm được nơi ưng ý. Không phải TP hết chỗ ở, mà là với đồng lương của viên chức, Phương khó có thể tìm được một chỗ thích hợp. Phương tâm sự: Chỗ vừa tiền thì lại quá đông đúc và chật chội, còn nơi vừa ý thì giá cả lại quá cao, không thuê nổi. Đi làm cả ngày mệt mỏi, chiều về tranh thủ tìm nhà để thuê. Ở chật chội và chung đụng thì công việc không hiệu quả.


Cùng đi với Phương tìm nhà trọ, tôi mới thấy được nỗi cơ cực của người lao động nơi đô thị hoa lệ này. Được giới thiệu, chúng tôi tìm tới đường Hoàng Hoa Thám (P.12, Q.Tân Bình) đây là khu vực có rất nhiều nhà trọ với giá bình dân vì là nơi tập trung người lao động ngoại tỉnh. Chúng tôi phấp phỏng mừng, nhưng mỗi lần vào xem phòng là lại thêm thất vọng. Những căn phòng có giá từ 500-800 nghìn đồng thì tại đó ánh sáng và không khí trở nên quý giá vô cùng. Chưa kể điều kiện sinh hoạt cá nhân, phòng chống cháy nổ… như quy định lại càng thiếu. Bước vào những khu nhà như vậy, hình ảnh đầu tiên là những mảng tường bằng gỗ mỏng ghép lại ngăn thành từng phòng kín (chỉ có cửa ra vào mà không có cửa sổ hay cửa thông gió) diện tích từ 9 – 15m2. Toàn bộ khu nhà toát lên mùi ẩm mốc, nhà vệ sinh thì dơ bẩn. Mỗi khu nhà  có khoảng 7 phòng và chỉ có một nhà vệ sinh và một phòng tắm, nền mấp mô, tường hoen ố.


Một ngày lang thang tại Q.3, Q.10 nơi cũng có nhiều nhà trọ và mất 150 nghìn đồng cho 3 “cò” để mong nhanh chóng tìm được chốn “dung thân”. Khu vực này những dãy nhà cho thuê, phòng trọ là do chủ nhà tận dụng các khoảng trống trong nhà, nên khá nhỏ, chỉ từ 7-15m2, các phòng cũng được ngăn bằng những tấm gỗ ván ép, ngột ngạt và ẩm mốc. Giá khu này lại cao từ 800 nghìn đến 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều nơi chỉ cho “người trọ” ở chứ phương tiện đi lại phải tự tìm chỗ gửi với giá từ 100 – 150 nghìn đồng/chiếc/tháng. 


Tại khu vực đường Nơ Trang Long, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) có những căn phòng lầu, diện tích khoảng 9 -12m2 có giá 800 nghìn đến 1 triệu  đồng/tháng và chỉ được ở 1 đến 2 người, không được nấu ăn. Những phòng rộng khoảng 16-20m2 có giá khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, cũng không được ở quá 3 người. “Với giá như thế này, người đi làm như mình thuê cũng không trả nổi, huống gì sinh viên”, Hồng – một người bạn mà chúng tôi vừa mới quen trên hành trình tìm nhà trọ nhận xét như vậy. Giá nhà đắt đỏ là vậy nhưng hầu như rất ít phòng còn trống, bởi ai đã thuê được nhà rồi đều không muốn chuyển đi để lại bắt đầu một hành trình tìm nhà đầy mệt mỏi.



Giải pháp nhà ở cho người lao động


Người lao động nói chung hiện nay, cũng không còn tư tưởng trông chờ Nhà nước bao cấp về nhà ở mà chỉ mong được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể như cho thuê, mua trả dần… Anh Trần Hoàng người đang thuê nhà tại đường Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, đưa ra ý kiến: Theo tôi, Nhà nước nên tập trung giải quyết xây nhà cho thuê, đa dạng các căn hộ ai có thu nhập khá thì thuê giá cao, ai thu nhập thấp thì thuê giá thấp. Nhà cho thuê này phải đạt những chuẩn tối thiểu của một căn hộ, còn hơn người dân phải đi thuê bên ngoài, phải chung chạ đủ thứ. Người nào có nhiều tiền thì tự mua nhà theo giá thị trường. Đối với cán bộ công chức thì nên trợ giá nhà ở vào lương, tạo điều kiện thêm cho họ ổn định cuộc sống. Đối với người lao động nghèo, chỉ cần Nhà nước giúp họ có nhà để thuê với giá phải chăng là quá tốt. Nhưng họ phải thực sự có nhu cầu thuê để ở, nếu không ở là thu lại ngay chứ không cho chuyển qua đối tượng khác thuê để kiếm chênh lệch.


Nhà ở – chốn an cư vẫn là nỗi lo canh cánh của những người nghèo, người thu nhập thấp hay người từ nơi khác về sinh sống tại đô thị. Nhà cho thuê có sự can thiệp của Nhà nước hiện tại hay tương lai rất cần có sự quan tâm để người lao động nói chung và CBCNV nói riêng hy vọng được “với tới” những nơi sống tương đối đàng hoàng.

Banner

Bài viết cùng chuyên mục

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.