Cục Đường Sắt Việt Nam và Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc vừa ký kết hợp đồng EPC dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, với thiết kế tuyến đường dài hơn 13km, 12 ga. Dự kiến khi tuyến đường hoàn thiện đi vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại của phương tiện người và xe từ khu vực Tây Nam vào trung tâm TP. Dự kiến sẽ có hơn 500 hộ dân phải di dời cho dự án xe điện 1 tỷ USD này.
Theo Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Xuân Hồng, lý do để Cục Đường sắt Việt Nam nỗ lực tìm kiếm hợp tác và thúc đẩy dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, bởi hiện tại tình trạng ách tắc giao thông tại các đô thị lớn, đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM đang ngày càng trở nên trầm trọng. Theo quy hoạch đã phê duyệt, Hà Nội sẽ có 5 tuyến đường sắt đô thị xuyên suốt các cụm dân cư, đô thị mới và các khu hành chính thương mại – Đây là kế hoạch đã được bàn bạc kỹ và thống nhất giữa lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo TP Hà Nội, nhằm sớm đưa Thủ đô thoát khỏi tình trạng ách tắc giao thông trầm kha như hiện tại. Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn), phục vụ vận tải hành khách công cộng, xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh-Giảng Võ. Đây là khu vực trung chuyển hành khách đô thị tương lai, kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông với tuyến đường sắt Nhổn – Hà Nội và tuyến xe buýt nhanh BRT. Từ đây, tuyến đường sắt sẽ đi dọc theo giải phân cách phố Hào Nam, Hoàng Cầu, ngõ Thái Thịnh I tới đường Láng rẽ trái men theo mép sông Tô Lịch và tiếp tục chạy dọc theo giải phân cách đường Nguyễn Trãi về Hà Đông. Điểm cuối của tuyến là bến xe Hà Đông (mới), cạnh QL6. Toàn tuyến có 12 ga, cách nhau trung bình 1km theo thứ tự là: Ga Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng – Đại học Quốc gia- Vành đai 3 – Thanh Xuân 3 – Bến xe Hà Đông cũ – Hà Đông – La Khê – Văn Khê-Bến xe Hà Đông mới. Quy mô toàn tuyến đường sắt dài 13,05km, đi hoàn toàn trên cao, thiết kế đường đôi, khổ 1435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8. Đoàn tầu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở 2.028 hành khách và 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Về vận hành khai thác, công nghệ thông tin truyền dẫn MSPT được sử dụng cho dự án này, hệ thống tín hiệu và điều khiển đạt chuẩn quốc tế… Với thời gian khai thác hàng ngày từ 5h-23h, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến… Được biết, dự án có tổng mức đầu tư là 8.769.965 triệu đồng. Nguồn vốn được khai thác từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1,2 tỷ NDT (tương đương 170 triệu USD); vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ bên mua của Eximbank Trung Quốc 250 triệu USD…và vốn đối ứng: ngân sách Việt Nam cấp là 2.123 tỷ. Dự án chia làm 7 gói thầu. Gói thầu chính là gói số 1: Tổng thầu EPC. Chủ đầu tư dự án là Cục Đường Sắt Việt Nam. Dự kiến, thời gian thực hiện hợp đồng là 5 năm, kể từ ngày ký. Trong đó, công tác khảo sát thiết kế sẽ hoàn thành sau 9 tháng, để kịp khởi công đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; xây dựng và lắp đặt thiết bị 48 tháng (với điều kiện có mặt bằng sạch) và vận hành thử 3 tháng. Như vậy, đến năm 2014, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào khai thác, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và giảm thiểu vấn nạn ách tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đặc biệt ở khu vực phía Tây Nam vào trung tâm TP (hướng có lưu lượng người và xe tham gia giao thông lớn nhất hiện tại ở Thủ đô). Theo ông Vũ Xuân Hồng, từ nay đến khi dự án hoàn thiện đi vào khai thác, sẽ còn không ít khó khăn phải giải quyết, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cũng theo ông Hồng, với tầm quan trọng của một dự án trọng điểm quốc gia và là công trình được chọn để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hy vọng dự án sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân và chính quyền các cấp Hà Nội, nhất là trong việc sớm có mặt bằng sạch để nhà thầu triển khai thi công bảo đảm đúng tiến độ như dự kiến. |
Hà Nội: Sẽ giảm ách tắc giao thông bởi hệ thống đường sắt trên cao
105