Trang chủ » Chuyện nhặt ở Quán Lương

Chuyện nhặt ở Quán Lương





Phú Thọ gánh trên vai mình câu chuyện huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra 100 quả trứng và những làn dân ca trữ tình của vùng đất trung du. Những trai gái làng ra đi thành đạt đã đua nhau mang về cho quê nhiều hương vị mặn nồng. Ký sự “Chuyện nhặt ở Quán Lương” sẽ đưa bạn về một vùng quê đất Thanh Ba, để bạn thấy được phần nào đời sống của nông dân, một cái nhìn về nông nghiệp, nông thôn hiện nay.









Thoáng buồn ở Quán Lương.
1. Đêm thị xã Phú Thọ không sáng dần như đêm ở nhiều vùng quê khác. Đường miền trung du lên dốc xuống dốc đồi chẳng thấy có đoạn đường nào theo kiểu ngoài phố hai dãy đèn hai bên đường. Phần lớn là đường đất, còn đường nhựa thì rất ít và nhỏ bé. Giữa Việt Trì và Phú Thọ hình dung như hai bức tranh của hai thời gian cách nhau cỡ… thế kỷ. Giao thông từ Việt Trì về xuôi mang hơi thở của sự đổi mới. Giao thông của Phú Thọ buồn chẳng muốn nói. Hai cô gái làng Quán Lương chẳng ai nhận ra nổi đường về làng mình, bởi nhiều lý do, nào là “lần nào đi về cũng say xe”, nào là “mình có đi đêm bao giờ”. Hơn hai mươi ba giờ rời Việt Trì, nay đã sang giờ của ngày hôm sau mà chưa qua khỏi thị xã Phú Thọ. Mưa khiến con đường đất nhão nhoét, bánh xe cứ quay tròn một chỗ không nhúc nhích. Bạn tôi đành gọi điện về làng cầu cứu. Từ chỗ xe sa lầy ở đoạn Mạo Phổ, cách Quán Lương chừng ba cây số. Thanh niên trai tráng phi xe máy ra ứng cứu, nhờ thế, chiếc xe con giãy giụa mãi trong đoạn đường lầy mới thoát được để về làng.



2. Dòng sông Hồng nước đỏ quạch phù sa hiện ra ở ngay trước cửa nhà. Bờ sông những trảng ngô non xanh mướt, mơn mởn đùa rỡn với gió. Bạn tôi phấn khích: “Quê em đó, anh thích không?”. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng một ngày nào đó mình lại có cảm giác lãng mạn “theo em, anh thì về” đẹp đến thế. Và, lại về làng Quán Lương ở bên bờ sông Hồng, một địa phận thuộc đất Phú Thọ xa lắc xa lơ! Phong cảnh quê em, làng Quán Lương thơ mộng và trù phú. Không ngần ngại muốn đi vãn cảnh quê ngay từ buổi sáng, tôi mượn chiếc xe Win đi ra bờ sông Hồng. Mưa đầu mùa hạ mà nước đã mấp mé bờ ngô. Bên bờ sông phía làng Quán Lương, rác thải dồn lại thành một bờ khá lớn, nhìn kỹ thấy cả những bao ống tiêm còn dính máu, những túi ly lông bọc những lọ thuốc tây nhiều vô kể, có cả những bao tải rác nữa. Bao tải không thể trôi xa từ bên kia bờ sông đến bên này bờ sông. Tôi nghĩ: “Tệ nạn ma tuý chẳng nhẽ lại ở chính cái làng thơ mộng này?”. Rồi tôi ái ngại nếu nó xuất hiện ở đây, nó sẽ tàn phá làng quê êm đềm này.


Tôi tìm hiểu mãi vẫn chưa có câu trả lời thanh niên làng có nghiện ma tuý hay không. Những người nói với tôi đáng tin, khung cảnh làng quê êm đềm và khá trù phú cũng không thấy dấu hiệu của sự tàn phá từ tệ nạn ma tuý.


Làng Quán Lương, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ khác với nhiều làng ven sông Hồng. Làng có hai đê bao, đê ngoài dân gọi là đê Trung ương, đê trong gọi là đê Bối. Bạn tôi nói rằng đây là khu đất nằm gọn như hình cái khuỷu tay, nếu không có phần diện tích đất xã Hạo Mạo và xã Thanh Minh bám vào đất thị xã Phú Thọ thì khu vực này là đảo. Nói cách khác đây là vùng đất bồi, dân làng này thường tự hào là đất được trời phù hộ, trai gái rời làng đi xứ khác thường mang đầy lộc về quê, người nào ở lại làng ắt là kém hơn lộc dù tài có khá hơn. Mấy năm nay chùa và đình của làng được trùng tu đẹp đẽ hơn trước nhiều. Dân làng trẻ già phấn khởi, tư tưởng thoải mái, nét mặt ai nấy cứ tươi roi rói. Tôi đi chơi khắp làng. Bà con ríu rít hỏi đủ mọi chuyện. Bữa cơm chiều đông gấp mấy lần ngày thường. Tất cả của ngon vật lạ đặc sản quê có gì mang ra hết thiết đãi khách. Tình cảm người quê thật ấm áp.


Chiều. Sấm chớp đùng đoàng. Chúng tôi muốn rời làng về thị xã để tránh đoạn đường lầy lội đêm qua, nhưng người làng quý khách cứ giữ. Trời  mưa càng to và mất điện. Chúng tôi ở lại. Đêm, đau bụng không chịu nổi. Tôi nghĩ thức ăn thì chắc không vấn đề, có lẽ do nước. Nhưng trời ơi, hình như ở cái làng văn hóa này các gia đình không có nhà vệ sinh. Nhà thứ nhất không có, người đi lẫn ở chuồng trâu, chuồng bò. Nhà hàng xóm kế cận cũng không khá hơn, các nhà liền kề cũng vậy. Đành ôm bụng nín thở chờ trời sáng. Cậu lái xe nói nhỏ với tôi: Văn hóa làng Quán Lương xếp vào hạng gì? Nói vậy là mình cố áp cái thứ văn minh ở đô thị, còn cả làng cả xã đều thế, nhà nghèo cũng như nhà giàu, họ có cái nhìn riêng, bởi thế mọi sự so sánh đều khập khiễng. Đành rằng vậy, nhưng tôi vẫn nhớ cái cơn đau bụng ấy. Gió trong cái đêm sấm chớp ấy, khiến tiếng rít những rặng tre đầu đê vặn mình cứ làm cho tôi hoảng loạn. Đêm ấy, tôi được nghe câu chuyện về bà Đào Thị Thành ba mươi mốt năm là giáo viên mầm non, được Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Minh Hiển tặng huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Nhiều thế hệ mầm non đã qua tay bà nuôi dưỡng, nhiều người thành đạt là ông nọ bà kia ở Trung ương, ở tỉnh… Vậy nhưng khi hết tuổi lao động bà lại không được một chế độ gì. Tuy nhiên bà vẫn tự hào vì đời bà đã nuôi dạy hàng ngàn người khôn lớn. Lòng tự tôn ấy đã cho bà một nụ cười vô tư, không quan tâm gì đến chế độ hưu trí. Các con bà dần dà lớn và bay đi khắp nơi. Hai vợ chồng bà chỉ có gần hai sào vườn, hoa quả chẳng có gì để thu hoạch bán được đáng tiền.



3. Sáng. Trời quang mây tạnh, phong cảnh làng quê xanh ngắt bởi cây, bởi trời và cả những ánh mắt… Chúng tôi chào tạm biệt Quán Lương trong một tâm trạng bộn bề buồn vui lẫn lộn. Cô gái Lê Thị Thanh đã từng đi lao động ở Malaysia tới 6 năm trời, về chăm mẹ ốm ở bệnh viện cũng chẳng có lấy một đồng. Hai đứa con nhà bà nọ ở xóm cũng lao động ở Malaysia bỏ về nhà bằng đường bộ mất hơn một tháng. Mấy cô gái lấy chồng ở Quảng Ninh về làng như Việt kiều. Con gái làng xinh có tiếng nên trai khắp nơi tìm về làng kén vợ. Bởi thế nạn tảo hôn có nguy cơ tái phát… Những câu chuyện sau luỹ tre làng còn nhiều lắm, làng như một cái túi đựng đủ mọi thứ chuyện. Xe nổ máy cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Chúng tôi chia tay nhau bùi ngùi như đã từng sống, từng chia ngọt sẻ bùi hàng mấy chục năm. Một làn gió bên bờ sông Hồng mang đến tạo nên một cảm giác mát dịu vô cùng. Chiếc xe lăn bánh trên bờ đê sông Hồng, cửa mở toang, mọi người nói cười rôm rả. Làng Quán Lương đi vào ký ức. Tôi linh cảm rồi sẽ có ngày trở lại. Có điều lúc đó không biết có còn mang theo tâm trạng “theo em, anh thì về” nữa không!

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.