Ông Hai Tiếm (giữa) và ông Tư Be chỉ PV Thanh Niên xem bản đồ phân lô, thửa của các cán bộ được cấp đất tại khu xử lý rác – Ảnh: Minh Nam |
Cấp đất khống để vay vốn ngân hàng
Trở lại thời điểm trước năm 2003, trong thời kỳ đăng ký kê khai sử dụng đất, xét cấp giấy CNQSDĐ cho 1.760 ha (năm 2003 số đất này thuộc diện giải phóng mặt bằng làm KCN xử lý rác). Theo đó, 559 hồ sơ gửi đến đề nghị cấp đất thì chỉ có 136 đơn xin cấp đất. Nhưng khi Phòng Nông nghiệp – Địa chính (NN-ĐC) H.Thủ Thừa làm tờ trình lại đề nghị cấp 208 trường hợp. Ngạc nhiên là UBND huyện lại ra 253 quyết định cấp đất. Việc giao đất này không theo một trình tự nào cả, chỉ giao trên giấy tờ không giao trên thực địa, không cắm mốc giới rõ ràng. Tất cả những điều này đã vô hiệu hóa vai trò, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp xã, vi phạm Luật Đất đai năm 1993.
Tháng 6.2003, Thủ tướng đồng ý cho phép thu hồi 1.760 ha để làm KCN xử lý rác, tháng 7.2003 UBND tỉnh Long An có văn bản thu hồi đất khu vực này để giải phóng mặt bằng thì tháng 11.2003, UBND huyện Thủ Thừa lại cấp giấy CNQSDĐ cho 2 hộ là Lê Thanh Bình (ở thị xã Tân An, Long An) và Lê Ngọc Thủy mỗi hộ 5 ha (đã nhận 549 triệu đồng tiền bồi thường giá trị QSDĐ). Hai hộ này được UBND huyện cấp đất chồng lên đất đã cấp cho 10 người khác, mà chính huyện trước đó đã ra quyết định cấp. Có 7 trường hợp cùng một diện tích đất, cùng số thửa và 1 trường hợp có 2 quyết định cấp đất trên cùng một thửa đất. Giải trình về việc này, UBND huyện cho rằng: Do trước đây huyện cấp đất cho một số cán bộ, nhân viên; khi có chủ trương của Nhà nước cho vay vốn trồng mía thì những cán bộ này được cho vay vốn nên UBND huyện giúp chuyển quyết định cấp đất cho họ thành quyết định cấp đất cho người thân của họ (!?). Nghiêm trọng hơn, UBND huyện còn ra quyết định cấp đất khống (thực tế không có đất) cho bà Nguyễn Thị Ánh để giúp bà này vay tiền ngân hàng.
Nhà nước thiệt hại nặng
Bên cạnh đó, đối chiếu theo Sổ điều tra, thống kê diện tích đất chưa sử dụng của UBND xã Tân Thành (nay là Tân Lập), chúng tôi thấy có nhiều trường hợp được cấp đất từ những năm 1995 – 1996 nhưng đến những năm 2001 – 2002 mới canh tác. Đáng ra, đối với các trường hợp này UBND huyện Thủ Thừa phải ra quyết định thu hồi theo đúng quy định nhưng ở đây vẫn tiến hành đền bù giá trị QSDĐ. Có 49 trường hợp không có quyết định cấp đất, không có giấy CNQSDĐ lại được bồi thường giá trị đất với tổng số tiền lên đến hơn 7,7 tỉ đồng.
Nghị định 64/CP ngày 27.9.1993 quy định đối tượng được giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng trong số những đối tượng được UBND huyện giao cấp đất, có 111 trường hợp không đúng, được cấp đến 300 ha (Báo Thanh Niên sẽ có bài phản ánh sau). Ngoài ra, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, còn rất nhiều trường hợp khác được cấp giấy CNQSDĐ sai đối tượng.
Dựa vào các giấy CNQSDĐ trên các trường hợp được giao đất, với tư cách là Phó chủ tịch thường trực hội đồng đền bù, ông Nguyễn Văn Chửng (lúc này là Trưởng phòng NN-ĐC H.Thủ Thừa) đã tham mưu, ký tờ trình để Chủ tịch hội đồng đền bù Lê Anh Thúy ký bồi thường cho các trường hợp trên với tổng giá trị đến hơn 27,3 tỉ đồng. Trong các trường hợp này, bản thân ông Chửng cũng được bồi thường 362 triệu đồng. Theo quy định của pháp luật đất thời điểm đền bù, đối với các cán bộ công chức được cấp đất không đúng đối tượng thì phần đền bù chỉ được tính cho hoa màu và tài sản trên đất. Tuy nhiên ông Chửng vẫn đề xuất cho ông Thúy đền bù, bồi thường cả về giá trị quyền sử dụng đất và hoa màu.
Thiệt hại 27,3 tỉ đồng của Nhà nước là do các quyết định giao đất, giấy CNQSDĐ của lãnh đạo H.Thủ Thừa qua các thời kỳ từ năm 1995 đến 2005. Trong số đó, có ông Lê Anh Thúy (Chủ tịch UBND huyện), Nguyễn Văn Phùng (nguyên Chủ tịch UBND huyện), ông Bùi Đức Sở (Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện) là người trực tiếp ký giao đất, đền bù giải phóng mặt bằng.
Xử lý quá nhẹ
Trước những sai phạm trên của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và một số lãnh đạo huyện Thủ Thừa, ngày 14.1.2005 Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã thành lập Đoàn thanh tra việc cấp đất, thu hồi đất, kê biên đền bù tại KCN xử lý rác. Theo kết luận của Đoàn thanh tra thì: “Huyện chưa tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục giao cấp đất do luật đất đai quy định; giao cấp đất không đúng đối tượng; giao cấp đất không thông qua chính quyền địa phương nơi có đất; giao cấp đất sau khi đã có chủ trương quy hoạch KCN; giao cấp đất chồng chéo gây khiếu kiện, tranh chấp…”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Tươi, Phó văn phòng UBND tỉnh Long An, cho biết: Đối với những sai phạm trong việc cấp đất tại H. Thủ Thừa, Chủ tịch UBND tỉnh đã có kết luận chỉ đạo xử lý. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND H.Thủ Thừa thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi số tiền bồi thường quyền sử dụng đất 6,1 ha của hai hộ Lê Thanh Bình và Lê Thị Ngọc Thủy, nộp lại cho ngân sách nhà nước 549 triệu đồng. Đồng thời thu hồi số tiền bồi thường giá trị quyền sử dụng đất đối với những trường hợp bao chiếm sử dụng đất trái phép; đất không có nguồn gốc rõ ràng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất Nhà nước cấp cho tổ chức không được phép mua bán chuyển nhượng, nhưng bị đem mua bán chuyển nhượng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được bồi thường…
Liên quan đến những sai phạm trên, trong năm 2005, hàng loạt cán bộ liên quan đã bị kỷ luật, như: cách chức Trưởng phòng NN-ĐC đối với ông Nguyễn Văn Chửng; ông Bùi Đức Sở, Phó bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa bị cảnh cáo; ông Lê Anh Thúy – Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa bị khiển trách. Điều khiến cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh bức xúc là vì sao những sai phạm trên kéo dài qua nhiều các thời kỳ nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Long An lại xử lý quá nhẹ? (Còn tiếp)
Đức Hòa – Minh Nam