Trang chủ » Chậm giải ngân các dự án ODA sẽ gây ra tổn hại lớn

Chậm giải ngân các dự án ODA sẽ gây ra tổn hại lớn





Tối 9/6, sau hai ngày làm việc tại cuộc họp không chính thức của Nhóm các nhà tài trợ cho VN (CG 2009), Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN – ông Ayumi Konishi (ảnh) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh việc giải ngân các dự án ODA.


* Ông đánh giá thế nào về việc giải ngân ODA tại Việt Nam qua các dự án của ADB?


– Như chúng tôi đã nhiều lần đề cập, nhìn chung tại VN các dự án thường được khởi động rất chậm vì thế quá trình giải ngân cũng diễn ra theo một tiến độ tương tự. Mặt tích cực của vấn đề là cuối cùng, hầu hết các dự án cũng đạt được những kết quả như đã thiết kế nhưng cũng có nhiều hệ lụy. Một dự án khởi động chậm, sau đó kết thúc chậm hơn (thường là tới 2 năm đối với nhiều các dự án) sẽ có hai điều xảy ra. Thứ nhất những lợi ích mà dự án mang lại bị chậm tới 2 năm so với kế hoạch, đó thực sự là một sự tổn thất. Thứ hai, điều này rất quan trọng, như đã xảy ra trong giai đoạn 2007 – 2008 khi mà giá xây dựng gia tăng chóng mặt, do nhiều dự án bị đình hoãn, chậm trễ đồng nghĩa với việc phải cắt giảm chi phí đầu tư vì ngân sách cho mỗi dự án là cố định. Do vậy, dự án lại phải được triển khai với một giá thành cao hơn và điều này gây ra những tổn hại rất lớn. Như vậy không thể thiết kế một dự án mới và chờ đợi những kết quả trong tương lai. Việc giải ngân rất quan trọng, đặc biệt là khi các lợi ích mà dự án đem lại cho những người hưởng lợi từ dự án một cách nhanh chóng hơn, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này.


* Ngày 8/6 tại Hội nghị CG 2009, ông cho biết vẫn có tới 3,5 tỉ USD của ADB dành cho VN vẫn chưa được giải ngân. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của sự chậm trễ này?


– Có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các quy trình, thủ tục của Chính phủ và các quy trình của các nhà tài trợ vẫn chưa hoàn toàn hài hòa. Thứ hai, Nghị định 131 Chính phủ đã giao quyền chủ động thực hiện dự án cho địa phương, điều này khiến trách nhiệm thực hiện của địa phương to lớn hơn. Nhưng do năng lực của nhiều địa phương còn hạn chế và thực tế đã cho thấy có rất nhiều vấn đề về năng lực thực hiện dự án của địa phương. Thứ ba, ngay trong Chính phủ việc phê duyệt các gói thầu hoặc kết quả đấu thầu cũng phải qua nhiều cấp. Về mặt nào đó, điều này đã làm chậm quá trình giải ngân. Nếu Chính phủ có thể giải quyết vấn đề này với các thủ tục đơn giản hơn, có thể đẩy nhanh quá trình giải ngân, thực hiện dự án.


* Ông có khuyến nghị gì với VN về vấn đề ODA?


– Như tôi đã nêu ra trong buổi họp ngày 8/6, hiện tại có một số quan ngại của các nhà tài trợ. Thứ nhất, trong thực tế về quá trình đấu thầu mua sắm, chúng tôi chưa tìm thấy chứng cớ về việc đã xảy ra tham nhũng, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy có những điều có thể dẫn đến việc làm sai trong quá trình thực hiện.


Thứ hai là việc chia nhỏ các gói thầu, Chính phủ muốn tạo công việc cho các doanh nghiệp nhỏ của VN, giúp họ có cơ hội được tham gia thực hiện dự án. Nhưng việc này đã đồng thời loại bỏ một số nhà thầu có năng lực tham gia các gói thầu lớn hơn. Việc chia nhỏ gói thầu không tạo sân chơi bình đẳng giữa các nhà thầu. Chính phủ sẽ tiết kiệm được chi tiêu nếu như không chia nhỏ các gói thầu này. Chúng tôi thực sự muốn khuyến cáo Chính phủ VN nên dừng việc chia nhỏ các gói thầu. Một điều quan trọng nữa là cần xây dựng năng lực cho các ban quản lý dự án để họ có thể quản lý dự án có hiệu quả nhất.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.