Nhiều doanh nghiệp không tuyển được người dẫn đến tình trạng sản xuất bị đình trệ. Và tình trạng này không chỉ diễn ra khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đơn hàng trở lại mà theo các chuyên gia dự báo thì đây sẽ là vấn đề mà các tỉnh thành phía Nam phải đối mặt lâu dài. Dưới đây là ý kiến của một số đại diện doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng về vấn đề này.
Tăng lương, tăng ca Ông Nguyễn Văn Chương, trưởng phòng nhân sự công ty TNHH Lawnyard Việt Nam, khu chế xuất Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP.HCM: Chúng tôi cần tuyển thêm 900 người nữa nhưng không tìm đâu ra nguồn. Vừa rồi, tôi cùng một số cán bộ của công ty đã phải xuống tận các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, liên hệ với các cơ quan lao động của các tỉnh này và sẵn sàng trả phí 200 ngàn trên một đầu người nhưng họ cũng lắc đầu chịu thua. Công ty cũng trưng biển tuyển dụng bên ngoài, rồi có rao tuyển trên báo đài nhưng mỗi ngày cũng chỉ tuyển được một, hai người, có khi vài ngày chẳng tuyển được người nào. Hiện nay, công ty có rất nhiều đơn đặt hàng nhưng không dám nhận vì không đủ lao động để sản xuất. Vì tuyển khó thế nên ngoài việc đưa ra nhiều chế độ ưu đãi cho công nhân mới thì công ty cũng tăng thêm nhiều ưu đãi cho công nhân cũ để giữ chân họ. Ông Huỳnh Lê Khanh, phó giám đốc hành chính nhân sự công ty Nissei Việt Nam, khu chế xuất Linh Trung 1, TP.HCM: Công ty còn chấp nhận tăng thêm tiền trợ cấp cũng như thêm nhiều ưu đãi khác để thu hút công nhân nhưng kết quả vẫn không được như ý. Hiện nay, chúng tôi cần tuyển thêm 600 người nhưng dự tính phải hết năm may ra mới tuyển đủ trong khi trước đây chỉ cần ba tháng là tuyển đủ. Và vì thiếu lao động nên để đảm bảo sản xuất, chúng tôi buộc phải có giải pháp tình thế tạm thời là cho công nhân tăng ca. Ngoài ra, công ty cũng khắc phục tình trạng khan hiếm bằng cách tuyển thêm nhiều lao động thời vụ. Theo tôi, thì cần phải linh hoạt kết hợp nhiều giải pháp, nhiều cách mới có thể khắc phục được tình trạng khan hiếm lao động hiện nay để sản xuất không bị đình trệ. Tăng độ tuổi tuyển dụng, cân đối giới tính Ông Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc trung tâm giới thiệu việc làm Hepza: Đơn đặt hàng của các doanh nghiệp cho trung tâm hiện nay khoảng hơn 11 ngàn lao động nhưng chỉ có thể đáp ứng được khoảng 30 – 40% số này. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn tuyển cả sinh viên vào làm thời vụ để bù đắp cho số lao động thiếu. Để khắc phục tình trạng khan hiếm này, trước mắt, chúng tôi thuyết phục doanh nghiệp tăng độ tuổi tuyển dụng lên hoặc giảm tỷ lệ nữ xuống, tăng tỷ lệ nam vì hầu như các doanh nghiệp tuyển nữ rất nhiều, tới gần 80%. Đó là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài thì thành phố cần phải có phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hiện nay, thành phố cũng đang có chủ trương hạn chế cấp phép đầu tư cho những ngành nghề sử dụng lao động nhiều và gây ô nhiễm môi trường mà khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào những ngành nghề cần lao động chất xám để tận dụng nguồn lao động tại chỗ và nguồn lao động đã qua đào tạo. Khuyến khích doanh nghiệp tự cải cách thiết bị công nghệ mới cần ít lao động để phù hợp với tình hình. Hạn chế dự án cần nhiều lao động Ông Lâm Duy Tín, phó giám đốc sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai: Từ giờ đến cuối năm, kế hoạch của tỉnh thu hút khoảng 85 ngàn lao động mới đủ cung ứng cho sản xuất nên chúng tôi đang tính toán đến phương án hợp tác với Lâm Đồng và Nghệ An nhờ hỗ trợ cung ứng lao động cho Đồng Nai nhưng chưa biết kết quả thế nào. Áp lực về lao động cao như thế nên hiện nay, chúng tôi hạn chế cấp giấy phép cho những dự án có sử dụng nhiều lao động phổ thông mà chỉ tập trung cấp giấy phép cho những ngành đòi hỏi trình độ cao ở những khu công nghiệp như Biên Hoà, Long Thành, Nhơn Trạch. Những doanh nghiệp mà cần nhiều lao động phổ thông thì chúng tôi khuyến khích về những vùng sâu, vùng xa như Tân Phú, Định Quán vì ở những vùng này, nguồn lao động còn rất dồi dào. |
Lời giải nào cho bài toán khan hiếm lao động?
5