Dự án quy hoạch Thành phố hai bên sông Hồng: Thống nhất chủ trương báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định

 

KTĐT – Một trong những nội dung của Hội nghị BCH Đảng bộ thành phố lần thứ 16 là xem xét việc triển khai lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đọa qua Hà Nội. Trên cơ sở báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ thành phố đã nhất trí cơ bản nội dung dự thảo báo cáo, đồng thời gian cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung dự thảo và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, dù Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính, nhưng phạm vi nghiên cứu của dự án vẫn như giai đoạn I, chỉ nằm trong 40 km đoạn qua Hà Nội trước khi hợp nhất.

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy, sau 12 tháng triển lãm Quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, đã có 1.359/18.000 người tới xem tham gia trả lời phiếu thăm dò ý kiến. Thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số người trả lời phiếu là người Hà Nội, với 53,2% ở trong khu vực dự án. Kết quả, có 37,8% người trả lời phiếu đồng ý toàn bộ dự án; 30,5% đồng ý hầu hết thành phần dự án và 27% chỉ đồng ý một phần dự án. Chỉ có 4,6% không đồng ý triển khai dự án. Lý do không đồng tình tập trung vào tính khả thi của dự án, ảnh hưởng của việc di dân quy mô lớn, phương án trị thủy, ảnh hưởng về môi trường, văn hóa…


Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Tô Anh Tuấn cho biết, tại chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã thống nhất xúc tiến nâng quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc từ "đối tác hợp tác toàn diện" lên thành "đối tác chiến lược". Đây là yếu tố thuận lợi mới, song cũng đặt ra những đòi hỏi mới đối với dự án phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội, trong đó, dự án Lập quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng, đoạn qua Hà Nội là dự án thành phần đầu tiên, có ý nghĩa cơ sở nền tảng.

 

Về vấn đề nhạy cảm nhất của dự án – công tác di dân, tái định cư, ông Tô Anh Tuấn cho biết, di dời, giải tỏa để đảm bảo tuyến thoát lũ và an toàn đê điều là việc làm theo yêu cầu và đúng pháp luật. Ông Tô Anh Tuấn nói: "Nếu di dời tất cả các hộ dân nằm trong phạm vi tuyến thoát lũ và hành lang bảo vệ đê thì khối lượng giải tỏa rất lớn. Việc nghiên cứu giảm khối lượng di dời, tái định cư trong các khu vực xây dựng đô thị sẽ được xem xét trong các bước tiếp theo nhưng không thay đổi được nhiều. Nếu giảm nhiều, dự án sẽ không triệt để. Thêm vào đó, vấn đề người đi, người ở sẽ phức tạp, là trở ngại lớn khi thực hiện dự án quy hoạch cơ bản".


Kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy khẳng định, vấn đề quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng, đoạn qua Hà Nội là dự án có vai trò vàý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Thủ đô Hà Nội mà có ý nghĩađối với cả nước. Đây là dự án đã được nghiên cứu trong khuôn khổ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt từ năm 1998 và được Thành phố báo cáo, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét như là một phần của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.


Mục tiêu quan trọng của Dự án đi đôi với việc cải tạo đoạn chảy qua thành phố Hà Nội (cũ) phải bảo đảm an toàn về lũ, phát triển kinh tế – xã hội, môi trường đô thị; đồng thời đây là cơ hội cho Thủ đô phát triển đồng bộ khu vực hai bên sông Hồng trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có không gian cây xanh, mặt nước, tôn thêm vẻ đẹp và diện mạo mới của Thủ đô, xứng tầm với đất nước 100 triệu dân trong những năm sắp tới, góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục vạn người dân; bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hoá, tạo không gian và cảnh quan hai bên bờ sông Hồng hợp lý, hài hoà, cải tạo môi trường và phát triển bền vững. Tuy nhiên đồng chí cũng yêu cầu việc lập quy hoạch phải lưu ý một số điểm, đó là: Thứ nhất, phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo dư luận tích cực, đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong việc lập và triển khai Dự án. Việc nghiên cứu, lập Dự án quy hoạch đặt trọng tâm là trị thuỷ, chỉnh dòng chảy, tuyến thoát lũ, đề xuất điều chỉnh tuyến đê ở một số khu vực cho hợp lý và bảo đảm bền vững hơn, đặt sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội trong tổng thể của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình cùng với các hồ tiêu nước trên thượng nguồn. Phương pháp nghiên cứu dự án phải bảo đảm thận trọng, tuân thủ pháp luật, tiếp cận thực tế, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô. Thứhai, Dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn quan Hà Nội là một dự án có rất nhiều nội dung, có ý nghĩa quan trọng và có tính đặc thù cao. Vì vậy, bên cạnh việc tranh thủ sự giúp đỡ và kinh nghiệm của chuyên gia Hàn Quốc, cần phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thống nhất chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện những công việc cần thiết để quy hoạch sớm được phê duyệt và đưa vào nội dung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính.


Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục tổ chức triển lãm trưng bày, hội thảo giới thiệu nội dung Dự án để tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân để bổ sung, làm rõ những căn cứ khoa học và thực tiễn để đưa ra các phương án hợp lý, khả thi, có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thứba, đây là Dự án có tác động và ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội và đông đảo dân cư trên địa bàn thành phố, nên cần có các giải pháp, chính sách phù hợp, đồng bộ, sát thực tế trong bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu quy hoạch đô thị khu vực dân cư đã có ven sông theo hướng vừa đan xen cải tạo, vừa giải tỏa, xây dựng lại; xem xét cụ thể khả năng giữ lại những di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề và những điểm dân cư phù hợp với quy hoạch nhằm giảm bớt số hộ dân phải di dời, đền bù, giảm chí phí đầu tư; tạo sự đồng thuận xã hội; góp phần ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo tính khả thi cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện dự án.

  H.Anh

 

 

Ghi chú:

Dự án Thành phố ven Sông Hồng chưa được phê duyệt chính thức. Ở đây là thành phố Hà nội tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để thực hiện việc nghiên cứu dự án. Sau khi nghiên cứu xong sẽ trình Quốc hội và Chính phủ phê duyệt. Đây là bước đi tất yếu của các dự án chứ không phải "Hà Nội sẽ triển khai dự án Thành phố bên sông Hồng"  như một số thông tin khác gây hiểu lầm là dự án đã được phê duyệt. (Tính đến ngày 6/7/2009)

Kientruc.vn xin tóm tắt một số ý chính tổng hợp từ các nguồn thông tin báo chí để đọc giả nắm rõ:

Trên cơ sở báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy, BCH Đảng bộ thành phố đã nhất trí cơ bản nội dung dự thảo báo cáo, đồng thời gian cho Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp thu ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn chỉnh nội dung dự thảo và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, dù Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính (toàn bộ tuyến sông Đà – sông Hồng tiếp giáp và chảy qua Hà Nội mở rộng dài tới 180 km nên sẽ phải giải quyết trong một dự án khác), phạm vi nghiên cứu của dự án vẫn như giai đoạn I, chỉ nằm trong 40 km đoạn qua Hà Nội trước khi hợp nhất. (Theo KTĐT)

Ông Tô Anh Tuấn (Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc) cho biết, Hà Nội sẽ ký thỏa thuận với thành phố Seoul (Hàn Quốc) về hợp tác sau khi lập quy hoạch cơ bản để thực hiện giai đoạn II của dự án. Giai đoạn này sẽ tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện quy hoạch để trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt với sự tham gia đóng góp tài chính của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cũng trong giai đoạn II, quy hoạch sông Hồng sẽ được hoàn chỉnh và trình Hội đồng thẩm định quốc gia. Sau khi điều chỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, dự án quy hoạch sẽ trình Thủ tướng, báo cáo Quốc hội thông qua.

Thành phố Hà Nội cũng sẽ tổ chức báo cáo, lấy ý kiến các bộ ngành chức năng, cơ quan liên quan về dự án và tiến hành thí nghiệm để có thêm cơ sở khẳng định phương án thoát lũ sông Hồng đảm bảo an toàn.

Dự án Quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội dự kiến có vốn đầu tư trên 7 tỷ USD và phải di dời 39.100 hộ (170.000 dân). (Theo Vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *