Trang chủ » Chuyện chất lượng công trình

Chuyện chất lượng công trình

bởi Kien Truc - Kientruc.vn












KTĐT – Qua các nước Âu – Mỹ, ta thường thấy các công trình lớn xây dựng từ hàng trăm năm nay mà vẫn đẹp, vẫn kiên cố, không hề xuống cấp hoặc lỗi mốt.

Ở Paris ta có Nhà hát opéra thành phố, Tòa đô chính Paris, Khải hoàn môn xây từ thời Napoléon, trụ sở Thượng viện Pháp bên vườn hoa Luxembourg và hàng trăm công trình khác. Ở Washington có tòa Capitol nơi họp Quốc hội Mỹ, tòa Nhà trắng xây dựng cách đây trên dưới 200 năm với trên 40 đời Tổng thống Mỹ cầm quyền ở đó, mà vẫn đẹp. Ở Budapest, tòa Quốc hội nước này lung linh soi bóng bên bờ sông Đa-nuýp từ 200 năm nay. Ở Berlin tòa Quốc hội Đức, dù bị đạn bom chiến tranh thế giới thứ 2 làm cho sứt mẻ, vậy mà khi nước Đức thống nhất, người ta sửa sang một chút bên ngoài, còn chủ yếu là sửa phía bên trong và trên nóc nhà, bây giờ tòa nhà đó đẹp lộng lẫy, vẫn là nơi họp Quốc hội Đức với vẻ uy nghi của nó. Ở Mátxcơva, những tòa nhà trong điện Kremlin đường bệ, uy nghiêm, trầm mặc với các cánh cửa thếp vàng sáng lóa mắt, được xây dựng trên 200 năm trước, nay vẫn là nơi Tổng thống Nga gặp gỡ, hội đàm với bao nhiêu nhân vật có thế lực trên toàn thế giới. Nhà hát lớn Matxcơva cũng vậy, nó có tuổi đời cả trăm năm.

Cairo, Ai Cập, phủ Tổng thống ngày nay là một cung vua xưa kia. Nó được xây dựng từ trước năm 1900 cùng với một cung vua nữa ở Alexandria nhìn ra biển Địa Trung Hải. Bây giờ những nơi đó vẫn là nơi làm việc, nghỉ ngơi của các đời Tổng thống Ai Cập nối tiếp nhau. Trường Đại học Cairo cũng vậy, có tuổi đời tới 140 năm, nhưng vẫn cao, đẹp, rộng rãi, chứa hàng chục vạn sinh viên của toàn châu Phi và Trung Đông với những giảng đường thoáng mát xen lẫn những cây chà là cổ thụ. Còn nhiều tòa nhà lớn, cổ khác ở các nước khác nhau. Nhưng có thể nói rằng đó là những công trình vừa to lớn, hoành tráng, bền vững vừa có giá trị sử dụng cao và đầy tính nghệ thuật, đại diện cho hình ảnh của từng đất nước, và không cái nào giống cái nào.

Những kiến trúc sư, những kỹ sư và công nhân xây những công trình ấý ngày nay không còn nữa, nhưng những công trìnhcủa họ vẫn còn sống mãi với thời gian. Có những công trình tồn tại vài trăm năm mà không lún, nứt,không lạc hậu. Đó là vì những kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân xây dựng đã làm việc hết mình với tâm nguyện để lại cho đời những tác phẩm nghệ thuật vĩnh hằng bằng gạch, đá, sỏi và sắt thép, xi măng.

Ở Việt Nam, những công trình lớn và đẹp như thế không phải không có. Đó là Nhà hát lớn Hà Nội, là Bắc bộ phủ, là Phủ Chủ tịch, là trụ sở Ngân hàng nhà nước, là Trường đại học quốc gia, là Bảo tàng lịch sử, là Kinh thành Huế, là Trường quốc học Huế, là tòa đô chính Sài Gòn, là các ngôi nhà thờ ở một số thành phố lớn. Những công trình đó là những tác phẩm nghệ thuật bằng gạch, đá, sỏi… do những kiến trúc sư, những công nhân có tâm huyết của Pháp và Việt Nam xây dựng nên. Nó đã tồn tại trên 100 năm nay,đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử đất nước, ngày nay vẫn rạng rỡ, bền vững, sừng sững với thời gian và không gian. Chưa ai dám nói rằng những công trình đó là lạc hậu. Chưa ai tìm thấy những vết nứt, sụt, lún, dột nát của các công trình đó. Và các công trình ấy sẽ còn tồn tại hàng trăm năm nữa với các thế hệ kế tiếp chúng ta.

Thế còn những công trình mà chúng ta mới xây gần đây thì sao? Báo chí và dân chúng đã nói nhiều rồi. Chưa có công trình nào có chất lượng cao so với yêu cầu thiết kế, trừ một vài công trình thủy điện và mấy chiếc cầu nước ngoài xây dựng. Vì sao có tình trạng tiền đầu tư thì nhiều, lễ khởi công thì rầm rộ, khẩu hiệu thì hay; xe ủi, xe xúc, xe cẩu và hàng trăm công nhân đội mũ bảo hiểm, mặc đồng phục trông rất đẹp, rồi người mẫu bê khay kéo, rồi lễ cắt băng, ấn nút khởi công thật hoành tráng, nhưng các công trình thì chưa xong đã nứt nẻ như các đốt hầm Thủ Thiêm; các con đường nửa cao tốc thì lún, sụt; các cột móng của các tòa nhà cao tầng bị rút bớt thép hoặc giảm tỷ lệ xi măng. Những công trình làm để chào mừng dịp kỷ niệm này hay kỷ niệm kia phần lớn đều không đạt tiến độ, không bảo đảm chất lượng (như Tượng đài Điện Biên Phủ, Khu công viên truyền thống Bắc Ninh, Nhà hát chèo TW, cầu Văn Thánh v.v…) vừa khánh thành hoặc khai trương xong là phải có ngay một đội quân đi sửa, đi vá, thậm chí sửa, vá cả năm sau mới xong!

Tôi không hiểu những kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân các công trình như thế nghĩ gì, chẳng lẽ họ chỉ nghĩ đến tiền đút túi, còn bỏ mặc các “tác phẩm” của họ cho người đời chê trách?! Thảo nào ma, khi đến các cơ quan xây dựng và đầu tư người ta thấy xe ô tô con tư nhân nườm nượp vòng trong, vòng ngoài. Đó là xe của các công chức, kỹ sư các công trình lớn ở khắp đất nước!


 



N.N.K

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.