KTĐT – Gần 2 năm trở lại đây, chợ Trung Văn, xã Trung Văn được đầu tư xây dựng khá khang trang, nhưng không có một bóng hộ kinh doanh nên cỏ mọc um tùm… Đây là chợ thứ 2 của huyện Từ Liêm, Hà Nội được đầu tư hàng tỷ đồng đã bị bỏ hoang ngay sau khi khánh thành…
Chợ Trung Văn bị bỏ hoang
Chợ là nơi cỏ mọc và đổ rác…
Cuối năm 2007, chợ Trung Văn thuộc thôn Trung Văn, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, rộng khoảng 2.700m2, được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng. Chợ gồm có 8 dãy, lợp mái tôn, nền bê tông, bao quanh là hàng rào sắt kiên cố. Tuy được xây dựng khang trang, thoáng mát như vậy, nhưng gần hai năm trở lại đây (sau khi xây dựng xong), chợ Trung Văn chỉ hoạt động được khoảng 2 tháng, rồi bị bỏ hoang, hiện tại xung quanh cỏ mọc um tùm, không có người trông nom.
Nghịch lý là ngay trên đường Trung Văn (con đường chính của xã Trung Văn và thôn Trung Văn) hàng ngày tồn tại một chợ “cóc” với các hàng bán thực phẩm tươi sống, các gánh hàng rau quả, hàng ăn hoạt động rất nhộn nhịp, gây mất trật tự đô thị và ảnh hưởng đến TTATGT trong khu vực. Và điều đáng nói là vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ “cóc” này đã trong tình trạng bị thả nổi từ lâu, các hộ kinh doanh vẫn giết mổ gia cầm sống thường xuyên ngay trên đường giao thông. Hàng quán của chợ “cóc” trên đường Trung Văn còn bao vây cả khu di tích lịch sử đình Trung Văn, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của khu di tích.
Trước đó (năm 2002), UBND huyện Từ Liêm đã xây dựng chợ vật liệu xây dựng (VLXD) tại thôn Ngọc Trục, xã Đại Mỗ với diện tích 10.000m2, tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng. Năm 2004, chợ được khánh thành, bàn giao cho UBND xã Đại Mỗ quản lý. UBND xã Đại Mỗ đã nhiều lần vận động các hộ kinh doanh VLXD trên đường 70 vào chợ kinh doanh buôn bán, nhưng trong nhiều năm liền, chợ VLXD Đại Mỗ vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” vì không có người vào kinh doanh. Do chợ bị bỏ hoang nhiều năm, nó trở thành nơi tập kết rác thải của các hộ kinh doanh trên đường 70 và của các nhà dân… Trong khi đó các hộ kinh doanh vẫn bày bán VLXD trên đường 70 làm cho con đường này càng thêm ùn tắc, gia tăng TNGT, gây ô nhiễm môi trường…
Chợ VLXD Đại Mỗ thành nơi chứa rác thải |
Vẫn là việc xây chợ không hợp với thực tế
Ngay sau khi chợ VLXD Đại Mỗ đưa vào hoạt động đã không nhận được sự đồng tình của các hộ kinh doanh, người ta vội đi tìm nguyên nhân của việc trên thì được biết: Chợ tuy xây dựng ở vị trí thuận tiện, nhưng việc bố trí diện tích kinh doanh (lúc đầu chỉ có 70m2/hộ) bất hợp lý, không phù hợp, bởi các hộ buôn bán VLXD phải cần đến diện tích lớn hơn gấp nhiều lần so với diện tích được sắp xếp. Từ đó, chợ bị bỏ hoang nhiều năm, tường rào bao quanh bị lấy cắp hết song sắt, trơ lại trụ gạch. Còn nền chợ bằng bê tông cũng bị bong tróc nham nhở. Trước tình trạng trên, UBND xã Đại Mỗ đã có công văn trình cơ quan chức năng xin mở rộng thêm diện tích của chợ VLXD Đại Mỗ, để hy vọng chợ VLXD này “sống” lại.
Đi tìm lý do “đắp chiếu” của chợ Trung Văn chúng tôi được biết, nhận thức của người dân ở đây vẫn thấp, họ quen với việc họp chợ “cóc” trên đường từ nhiều năm nay. Phần nhiều việc buôn bán của các hộ ở đây đều là tự phát, nên nhiều người ngại vào chợ. Trong khi đó, chợ Trung Văn mới xây lại nằm ở cuối thôn, nơi rất vắng người qua lại, vị trí không thuận tiện với việc mua bán, nên không một hộ nào muốn vào chợ để kinh doanh, mặc dù chính xã đã yêu cầu đơn vị quản lý tạo mọi điều kiện cho người kinh doamh như không thu thuế, còn lệ phí thu không đáng kể… Đã có thời gian gần 2 tháng, hàng chục hộ đã vào kinh doanh tại chợ Trung Văn. Nhưng sau đó, các hộ kinh doanh vắng dần, cuối cùng đành khóa cửa, “đắp chiếu” chờ…
Theo bà Nguyễn Thị Len, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Quyết Tiến – đơn vị được UBND xã Trung Văn giao quản lý chợ Trung Văn: Thời gian tới, HTX sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng của thôn, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đang kinh doanh tại chợ “cóc” trong thôn vào kinh doanh tại chợ Trung Văn, nhất là những hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng… Việc làm tuy khó, nhưng xã sẽ cố gắng hết sức…
Việc cải tạo, xây mới hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội là nhu cầu cấp thiết hiện nay, nhưng việc xây chợ như thế nào để phù hợp với thực tế là vấn đề đặt ra cho chính quyền địa phương và Sở Công Thương Hà Nội, để tránh tình trạng thiếu chợ, nhưng chợ xây xong lại “đắp chiếu”…
Theo ANTĐ