Ô nhiễm hậu khai thác than – Kỳ 3: Trả lại môi trường: mất hàng chục năm



TT – Với sản lượng khai thác 40 triệu tấn than/năm như hiện nay, trong đó có đến 70% sản lượng than được khai thác tại vùng mỏ Quảng Ninh, Tập đoàn Than – khoáng sản VN (TKV) đã quan tâm đến môi trường vùng mỏ Quảng Ninh như thế nào?


>> Kỳ 1: Đô thị ô nhiễm
>> Kỳ 2: Hủy hoại nước ngầm








Một mỏ than lộ thiên sau khi được khai thác để lại hiện trường như thế này-  Ảnh: Đ.H.L.


Chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường


Theo thống kê của TKV, hiện tại vùng mỏ Quảng Ninh có hàng chục cơ sở khai thác than đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều cơ sở tiếp tục được đưa vào danh sách gây ô nhiễm.


Năm 2003, trên đất Quảng Ninh, tập đoàn chỉ có hai cơ sở nằm trong danh sách các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Công ty cổ phần than Cọc Sáu và Công ty cổ phần than Đèo Nai. Đến năm 2008 có thêm Công ty cổ phần than Mông Dương, Công ty cổ phần than Thống Nhất và Công ty than Nam Mẫu lọt vào danh sách. Cả ba công ty này đều có tình trạng chung là nước thải mỏ vượt tiêu chuẩn cho phép. 


Theo ông Lê Minh Chuẩn – phó tổng giám đốc TKV, vừa qua thanh tra môi trường của tập đoàn đã kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường và quy chế bảo vệ môi trường của tập đoàn tại 21 đơn vị sản xuất than. Kết quả cho thấy tất cả các đơn vị được kiểm tra đều không thực hiện đầy đủ các quy định. Tại các đơn vị khai thác lộ vỉa đều thiếu  báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thực hiện xử lý nước thải, thiếu thiết kế hoàn thổ và phục hồi môi trường. Các đơn vị khai thác than lộ vỉa và hầm lò còn lấn chiếm đất để làm khai trường và bãi thải, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép và chưa có biện pháp thu gom và xử lý triệt để chất thải nguy hại.


Việc khai thác than gây ô nhiễm đã được TKV thừa nhận trong hội nghị tổng kết công tác môi trường được tổ chức tại Hạ Long ngày 12-6 vừa qua. Theo đó, môi trường các vùng hoạt động khai thác than được đánh giá như sau: tại vùng Đông Triều – Uông Bí, nồng độ bụi và tiếng ồn ở các khu dân cư vượt quá tiêu chuẩn cho phép, môi trường nước mặt bị ô nhiễm do hoạt động khai thác than gây ra và chưa có hệ thống xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn.


Vùng Hòn Gai – Hoành Bồ ô nhiễm về bụi vẫn tập trung dọc các tuyến đường vận chuyển than, môi trường nước mặt vì ô nhiễm nghiêm trọng. Tại khu vực Cẩm Phả, ô nhiễm bụi trên diện rộng, tuy có giảm so với năm trước do chấm dứt vận chuyển than trên quốc lộ và tuyến đường dân sinh. Đặc biệt, hiện tại TKV vẫn chưa lập được quy hoạch bảo vệ môi trường các vùng khai thác than do quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 chưa được phê duyệt.








Một con suối ở phường Cẩm Sơn (thị xã Cẩm Phả) đang được nạo vét do đất đá và than trôi làm tắc nghẽn – Ảnh: Đ.H.L.


TKV đã phục hồi môi trường đến đâu?







Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho rằng ngành than cần có lộ trình hoàn nguyên môi trường, nhưng hiện TKV làm công tác này rất chậm. Hiện mới chỉ có 52 dự án cải tạo, phục hồi môi trường mỏ đã và đang được lập và trình duyệt các cấp có thẩm quyền. Trong khi có 63 giấy phép khai thác than đã được cấp cho các mỏ, còn 11 dự án khác chưa được tiến hành. Ông Cường cho hay thời gian tới Sở Tài nguyên – môi trường Quảng Ninh sẽ kiểm tra định kỳ, đánh giá tiến độ thực hiện những cam kết giữa TKV ký với địa phương về thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường. “Để chậm ngày nào, giờ nào về công tác bảo vệ môi trường thì người dân vùng mỏ còn khổ ngày ấy, giờ ấy. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng lớn đến tiềm năng khai thác du lịch vịnh Hạ Long” – ông Cường nói.


Phó tổng giám đốc TKV Lê Minh Chuẩn thẳng thắn thừa nhận hoạt động khai thác than gây ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh rất nghiêm trọng và đã được TKV chú ý quan tâm. Từ năm 2006 đến nay, TKV đã thành lập quỹ môi trường với tỉ lệ 6.000 đồng/tấn than. Với sản lượng 40 triệu tấn/năm, mỗi năm TKV có 240 tỉ đồng để phục vụ công tác này. Bên cạnh đó, các đơn vị của tập đoàn còn được giữ lại 0,5 % trên tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh than.


Ông Chuẩn cho hay số tiền dành cho hoạt động bảo vệ môi trường của TKV rất dồi dào, tuy nhiên do nhận thức về công tác này chưa cao nên việc triển khai còn chậm, thậm chí có nơi còn không thực hiện việc trồng cây phục hồi môi trường sau khi khai thác như các công ty kho vận, nhà máy cơ khí của TKV tại các vùng Mông Dương, Hòn Gai, Quang Hanh.


Để phục hồi môi trường các khu mỏ đã được khai thác, TKV đã dùng các biện pháp như lưu trữ riêng đất mùn cây để sau này có thể dùng phủ lại những diện tích đã bị khai đào và trồng lại cây đã bị đốn khi khu mỏ ngưng hoạt động, lưu trữ đất đá không có than để sau này có thể đắp lại những nơi đã bị khai đào. Trong năm 2008, tổng số diện tích trồng rừng phủ xanh đất trống, bãi thải được khoảng 900 ha, tuy nhiên số này chưa thấm vào đâu so với hàng chục ngàn hecta rừng cây đã bị triệt hạ để khai thác lộ thiên.


Ông Chuẩn cho hay: “Khắc phục hoàn nguyên môi trường khai thác than không chỉ thực hiện được trong 2-3 năm mà phải 40-50 năm sau mới có kết quả cụ thể”. Cũng theo ông Chuẩn, công tác bảo vệ môi trường vùng mỏ thật sự mới được quan tâm chừng năm năm trở lại đây, khi TKV có quyết định ngừng việc chuyền tải than trên vịnh Hạ Long và cấm vận chuyển than trên tuyến quốc lộ. Hai hoạt động này là rõ nét nhất trong công tác bảo vệ môi trường vùng mỏ.


Tại Công ty than Vàng Danh, chúng tôi được cán bộ môi trường của công ty dẫn đi thực tế tại những khu đồi núi đang được phục hồi. Trên mảnh đồi nham nhở, lở loét chỉ có lơ thơ những cây keo mới được ươm trồng. Vị cán bộ này cho biết để làm xanh lại những vùng đất đã được khai thác chỉ có trồng cây keo – một loại cây giữ nước, nhưng để giống cây này sống được cũng rất vất vả. Trong năm chỉ trồng vào mùa xuân, công nhân lên núi đào hố rồi cõng cây lên trồng vào hố.


“Trồng được cây sống trên này là một kỳ công”, ông nói. Cũng theo lời ông, số cây chết khá nhiều vì độ dốc cao, không có điều kiện tưới nước, việc hoàn nguyên có cố gắng cũng không thể phục hồi được hết tất cả những nơi đã bị khai đào, vì đất đá bị đập vỡ không còn trạng thái đặc cứng nên rừng sẽ không mọc lại như xưa và đồng ruộng phải được canh tác theo lối khác. Những dòng sông cũng như dòng nước ngầm sẽ không chảy như xưa nữa.


Theo ông Lê Minh Chuẩn, đến nay trong toàn Tập đoàn TKV vẫn chưa có dự án cải tạo, phục hồi môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. TKV cho rằng việc lập dự án, cải tạo phục hồi môi trường có khó khăn là do thời gian quy định ngắn, lĩnh vực mới mẻ. Bên cạnh đó, công tác quản lý dự án và giải ngân, thanh toán các công trình của các dự án môi trường đều kéo dài hơn thời gian quy định, như dự án xử lý nước thải mỏ Cọc Sáu đã quá thời hạn quy định hai năm nhưng chưa được khởi công.


Dự án cải tạo cảnh quan môi trường bãi thải Nam Đèo Nai (Công ty cổ phần than Đèo Nai) đã quá thời gian quy định hai năm vẫn chưa kết thúc, cùng với hàng loạt công trình kéo dài thời gian thực hiện làm ảnh hưởng đến công tác quản lý môi trường của tập đoàn, địa phương và gây bức xúc với người dân vùng mỏ.


ĐỖ HỮU LỰC


—————————————————–


Việc khai thác than diễn ra rất mạnh nhưng lại chưa có quy hoạch bảo vệ môi trường vùng than. Phải làm gì trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở Quảng Ninh?


Kỳ tới: Phải chế tài nghiêm khắc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *