Trang chủ » Nhà đất “lên sàn”: Tính minh bạch vẫn… “xuống”

Nhà đất “lên sàn”: Tính minh bạch vẫn… “xuống”

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments











Thông tin trên “Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam” còn khá nghèo nàn.

KTĐT – Luật Kinh doanh bất động sản quy định giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn từ ngày 1/1/2007.

Quy định này được đánh giá là sẽ làm tăng tính minh bạch cho thị trường vốn bị coi là đang bị giới đầu cơ thao túng lâu nay. Tuy nhiên, sau gần 3 năm có hiệu lực, đến nay quy định này dường như vẫn đang được thực hiện một cách hình thức.

Cơ quan quản lý chậm chạp

Từ cuối năm 2007, các công ty địa ốc đã đua nhau mở sàn giao dịch bất động sản. Nhưng thực tế đến nay, theo đánh giá của giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản, các sàn này hoặc là chỉ hoạt động hình thức hoặc tiếng là sàn giao dịch nhưng lại hoạt động như một trung tâm môi giới nhà đất. Tại các sàn, người ta vẫn có thể đầu cơ mua sỉ, bán lẻ bất động sản dự án. Họ mua sỉ một lô căn hộ chung cư hoặc đất dự án với chiết khấu cao rồi bán lẻ. Theo đánh giá của ông này, hiện vẫn còn số lượng lớn các giao dịch bất động sản không qua sàn. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn cũng chưa tuân thủ quy định.

Quy định buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn vốn được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch hoá thị trường nhà đất. Ngoài việc giúp người mua tiêu dùng có khả năng tiếp cận với hàng hoá bất động sản giá trị thực, nó còn giúp nhà quản lý trong việc nắm bắt tình hình thị trường để nâng cao vai trò quản lý, điều tiết. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở kỳ vọng. Nguyên nhân có nhiều, nhưng không thể không kể đến sự chậm trễ của chính cơ quan quản lý. Luật có hiệu lực từ 1/1/2007, nhưng phải đến cuối năm này mới có Nghị định hướng dẫn thi hành, và phải đến tháng 2/2009 mới có Nghị định quy định về chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm về giao dịch bất động sản. Đến tận lúc này mới có chế tài để xử lý!

Minh bạch: Khó hy vọng ở “sàn”





7 sàn giao dịch bất động sản đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo công văn của Sở Xây dựng Hà Nội là: Hanhud – Land ở số 9 Ngô Tất Tố; Sao Việt ở CT4, khu đô thị Mỹ Đình (Mễ Trì); Hòa Phát ở số 64 Nguyễn Thị Định; Megastar tại 254 Thụy Khuê; IDB tại ngõ 298 đường Ngọc Lâm; Bưu điện tại khu đô thị Định Công; Đông Dương tại nhà 24T2 đường Hoàng Đạo Thúy.


Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội có công văn gửi Bộ Xây dựng trình 7 hồ sơ sàn giao dịch bất động sản đủ điều kiện hoạt động trên địa bàn thành phố. Theo thống kê mới nhất, trên “Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam” do Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản quản lý đã có 126 thành viên, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thông tin về hàng hóa, sản phẩm trên mạng này còn khá nghèo nàn.

Trao đổi với PV Báo GD&XH bên lề cuộc họp giao ban 6 tháng đầu năm 2009 của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, thị trường bất động sản của Việt Nam mới hình thành. Bản thân thị trường còn đang trong giai đoạn phát triển và dần hoàn thiện.

Quy định giao dịch bất động sản qua sàn vẫn còn ở bước khởi động. “Chúng ta không thể kỳ vọng quy định này sẽ ngay lập tức mang tất cả giao dịch bất động sản vào sàn. Tuy nhiên, quy định giao dịch qua sàn cũng như các chế tài xử lý sẽ như cái chuẩn để người ta căn cứ vào đó để xử lý các sai phạm”, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.

Tuy nhiên, những quy định như buộc phải giao dịch qua sàn, hay chế tài xử phạt dù sao vẫn chỉ là những giải pháp mang tính cưỡng bức hành chính. Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, để minh bạch hoá thị trường bất động sản, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có một luật thuế hợp lý. Thuế luỹ tiến đánh vào nhà đất có thể là liều thuốc để giải quyết tận gốc vấn đề. Thuế này sẽ tập trung đánh vào những trường hợp có nhà mà không sử dụng, có nhiều nhà. Như vậy người có tiền sẽ không thể tích trữ nhiều nhà hoặc nếu anh tích trữ nhiều nhà thì sẽ phải chịu nhiều tiền thuế, như vậy sẽ chống được đầu cơ.

Đánh giá việc này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, gốc rễ vấn đề nằm ở sự chênh lệch cung cầu. Nguồn cung nhà ở tại các đô thị hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều so với cầu. Khi đầu cơ đất còn sinh lời lớn thì người ta sẽ vẫn còn đầu cơ. Vấn đề là phải làm sao để tăng nhanh nguồn cung cho thị trường!?



Theo Giadinh.net

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.