Ẩn hoạ tai nạn tại các công trình phá dỡ











Hiện trường vụ tai nạn sập tường tại tổ 54A Yên Hòa, Cầu Giấy.

Ngày 21/3, tại số nhà A28 tổ 54 Yên Hòa, quận Cầu Giấy xảy vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Trong lúc phá dỡ nhà, bất ngờ cả bức tường lớn đổ ập, khiến 3 người lao động tử vong. Vụ tai nạn là tiếng chuông báo động cho tình trạng buông lỏng quản lý tại các công trình phá dỡ hiện nay…


Vụ tai nạn thương tâm


Gần một tuần trôi qua kể từ khi vụ tai nạn sập tường xảy ra, người dân tổ 54A Yên Hòa vẫn chưa hết xôn xao bởi sự việc quá đỗi kinh hoàng. Chỉ nghe “ầm” một tiếng, 3 người đã bỏ mạng dưới đống gạch. Nhiều người cho biết, cũng may là hôm đó, chỉ có 3 người thợ trực tiếp phá dỡ đang làm việc bởi thường ngày, còn một số lao động khác đến thu dọn, đẽo gạch, tháo sắt… Nếu không, hậu quả sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều.


Nhóm thợ xấu số gồm các anh Nguyễn Văn Hữu, 36 tuổi, Đặng Văn Cảnh, 22 tuổi, Đặng Văn Khanh, 21 tuổi, cùng ở xóm 4, Hồng Thuận, Giao Thủy, Nam Định, là anh em, chú cháu trong cùng dòng họ. Đáng thương nhất là gia đình anh Nguyễn Văn Hữu. Là lao động chính trong nhà, anh ra đi để lại gánh nặng nuôi 3 con thơ cho người vợ trẻ.


Kết quả khám nghiệm hiện trường của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội và Thanh tra an toàn lao động cho thấy, nguyên nhân của vụ sập tường trên là do chính những người lao động đã thực hiện không đúng quy trình phá dỡ nhà. Theo nguyên tắc, phải thực hiện phá dỡ lần lượt hạ độ cao của công trình. Tuy nhiên, nhóm thợ đã có “sáng kiến” tiết kiệm thời gian và công sức khi cắt khung 2 trầnnhà để tạo khoảng trống, sau đó khoét chân tường để cả bức tường tự đổ sập xuống. Buổi sáng hôm đó, bức tường bên trái nhà đã được “hạ” an toàn. Tuy nhiên, khi nhóm thợ quay sang đục chân bức tường bên phải, do tường cũ, lại bị ảnh hưởng bởi việc phá dỡ kết cấu nhà nên cả mảng tường đã sập xuống trước khi 3 lao động hoàn tất công việc.


Bỏ ngỏ quản lý?!


Theo một chuyên gia về lĩnh vực xây dựng, việc phá dỡ một công trình xây dựng phải được giám sát bởi những đốc công không chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực phá dỡ mà còn phải hiểu biết những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng. Phải nghiên cứu tính chất vật lý và thiết kế của công trình để tìm ra phương án phá dỡ thích hợp… Khi tập trung hoặc di chuyển các tải trọng sẽ tạo ra sự mất cân bằng cấu trúc, có thể gây sập đổ toàn bộ hoặc cục bộ. Do đó, khi tháo dỡ phải đưa ra phương án có thuyết minh kèm theo bản vẽ hoặc phác đồ quy trình tháo dỡ, các yêu cầu về máy móc, thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho những người tham gia… nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và an toàn cho người và các công trình lân cận (nếu có).


Tuy nhiên, tìm hiểu vụ tai nạn trên, được biết người đứng ra ký hợp đồng nhận phá dỡ ngôi nhà trên là bà Nguyễn Tuấn Dung ở ngõ 181 Đê La Thành, một người cũng không có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng cũng như phá dỡ các công trình. Thế nhưng việc “nhận thầu” phá dỡ nhà đã trở thành công việc kiếm sống của bà Dung từ nhiều năm nay. Sau khi ký hợp đồng, bà Dung không trực tiếp phá dỡ mà thuê những người lao động ngoại tỉnh thực hiện, trả công phá dỡ như trong hợp đồng, còn bà được “hưởng” phần nguyên vật liệu của ngôi nhà để mang đi bán.


Về phía những người lao động cũng không hề được trang bị kiến thức trong phá dỡ các công trình xây dựng. Họ chỉ làm việc bằng sức người và kinh nghiệm của bản thân với những thiết bị phá dỡ phổ biến nhất là khoan bê tông, búa, xà beng… Làm việc trong môi trường nguy hiểm và độc hại như vậy nhưng thiết bị bảo hộ lao động “hiện đại” nhất cũng chỉ là chiếc mũ bảo hiểm và khẩu trang(!).


Ông Nguyễn Xuân Kỳ – Phó chánh Thanh tra an toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, ở các công trình xây dựng phá dỡ, kiểu quan hệ lao động “mua đi bán lại”, “hợp đồng miệng” như trên diễn ra khá phổ biến, gây khó khăn cho công tác xử lý của cơ quan chức năng khi TNLĐ xảy ra. Thiệt thòi nhất vẫn là những lao động ngoại tỉnh, do cần việc làm đã bất chấp nguy hiểm và bỏ qua những quy định của Luật Lao động. 


Có nhiều vụ việc, “chủ thầu” tự thỏa thuận bồi thường cho người lao động nên không báo cơ quan chức năng. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2008 trên toàn quốc xảy ra 5.836 vụ TNLĐ làm 6.047 người bị nạn, trong đó có 573 người chết. Số vụ tai nạn xảy ra trong lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và công trình giao thông chiếm 29,54% số vụ và 29,72% số người chết.


Để đảm bảo an toàn tại những công trình phá dỡ, rất cần công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở, đặc biệt là vai trò của Thanh tra xây dựng. Một công trình khi xin phép xây dựng, cùng với bản thiết kế xây mới, theo quy định chủ nhà phải đưa ra phương án phá dỡ (nếu có). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, lực lượng Thanh tra xây dựng chỉ chú ý kiểm tra xử lý phần xây dựng mới có đúng phép hay không, còn việc phá dỡ công trình hầu như không kiểm tra. Đây là kẽ hở trong quản lý xây dựng gần như đang bị bỏ ngỏ, chỉ khi xảy ra những vụ việc tai nạn nghiêm trọng, các cơ quan chức năng mới… giật mình nhận ra



Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *