Vượt qua hơn 60 đồ án thiết kế và qua 4 vòng phúc khảo, đồ án của KTS Nguyễn trường Lưu đã đoạt giải nhất và được Thành uỷ – UBND Tp.HCM chọn để xây dựng đền tưởng niệm các Vua Hùng (ĐTNCVH). Là một trong những hạng mục trung tâm nằm trong khu cổ đại của Công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc Tp.HCM, ĐTNCVH nằm tại ấp Vĩnh Thuận, p.Long Bình, Q.9 có tổng diện tích 8ha nằm trên một quả đồi cao 21m so với mặt nước biển. KTS Nguyễn trường Lưu cho rằng: Đây là ngôi đền của những người con phương Nam đi mở cõi tưởng nhớ đến Tổ tông, nên phải được thiết kế trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XX đầu XXI đồng thời làm sao phải lột tả được sự phóng khoáng, cởi mở giống như bản chất của người phương Nam. Do vậy nó phải khác với lối kiến trúc truyền thống nhưng vẫn mang dáng dấp của kiến trúc tứ trụ trong đền chùa Việt Nam. Quả thật khi đến đây ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là một không gian bao la với trời đất. Để lên được chánh điện khách hành hương phải đi trên “con đường tre” với 108 bậc dài hơn 500m, hai vách đá hai bên được tái hiện bằng những tượng điêu khắc mô tả từ hiện đại đến cổ đại. Theo lý giải của KTS Nguyễn trường Lưu, lịch sử Việt Nam gắn liền với tre nên tôi muốn hình tượng hoá bằng con đường tre, nó sẽ dẫn dắt du khách đi và để mỗi người cảm nhận bằng con đường lịch sử. Lên đến đền chính ta bắt gặp mô hình cách điệu của con chim lạc và âm bản của trống đồng Đông Sơn. Đền được thiết kế chia làm 3 phần: sân vọng, sân lễ, sân hội nhằm tách bạch phần hội và phần lễ để tăng phần tôn nghiêm (khác với các đình, chùa truyền thống). Với thiết kế vừa đóng vừa mở, KTS Lưu quan niệm tách phần lễ và hội theo chiều cao chứ không theo chiều ngang. trên sân vọng thiết kế theo trục bắc nam để khi mọi người bái vọng về phương Bắc. Ngoài ra trên đây còn có 54 cột biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam. Ông Kha Chánh – phó giám đốc BQL ĐTNCVH cho biết: Đền là một lát cắt trong quy hoạch tổng thể của công viên lịch sử văn hoá dân tộc, tuy mới khánh thành được 1 năm nhưng cũng đã thu hút 15 nghìn người, trong đó có rất nhiều đoàn thể, học sinh, sinh viên, đến để cắm trại, vui chơi đồng thời lồng ghép giáo dục lịch sử cho các em. Ngày giỗ tổ Vua Hùng cận kề nhiều đoàn từ Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ… cũng đã về thắp nhang để tưởng nhớ về cha ông. Bà trần Thị Thu, quê ở Bạc Liêu cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi và cháu nội về đây vào dịp giỗ tổ để tưởng nhớ đến cha ông và cũng là cơ hội giáo dục cho thế hệ sau biết gìn giữ lịch sử. Tuy ở phía Nam có nhiều nơi thờ cúng Vua Hùng nhưng tôi thấy ĐTNCVH ở đây có tính chất tôn nghiêm và linh thiêng hơn cả. Điều tôi thấy thú vị là ngôi đền này đã không quên người khuyết tật”.
|
Ấn tượng thiết kế nơi tưởng niệm các Vua Hùng tại TP.HCM
50