Bán biệt thự cũ ở Hà Nội: Mỗi công trình một hồ sơ quản lý












Trong quy hoạch, kiến trúc, người ta hay nói đến điểm nhấn. Với Hà Nội, điểm nhấn rất giá trị đó chính là các biệt thự cũ, biệt thự cổ. Người dân thành phố không thể không chạnh lòng mỗi khi thấy cảnh ngôi biệt thự nào đó bị phá dỡ. Cho dù thay vào đó là một công trình thiết kế rất đẹp, rất hiện đại, rất hiệu quả kinh tế nhưng mỗi biệt thự “ra đi” vẫn là sự mất mát không thể thay thế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản được hay không diện mạo của các ngôi biệt thự không phải ở chỗ bán hay không.

Không bán cũng khó bề quản

Nhiều ý kiến đang tranh cãi về việc có bán hay không bán gần 600 ngôi biệt thự tại Hà Nội. Qua khảo sát cho thấy, trong số 970 biệt thự do thành phố quản lý, có tới 804 biệt thự được dùng để ở. Số biệt thự có 1-2 hộ ở chỉ chiếm tỷ lệ5%, 90% tổng số biệt thự có từ 5-15 hộ sinh sống, thậm chí có những biệt thự phải chứa tới 35- 50 hộ. Nhiều biệt thự bị hư hỏng, hàng chục năm không được đầu tư, tu sửa. Về phía người dân, do vẫn lànhà đi thuê, không được sửa chữa, cải tạo và tình trạng đa sở hữu khiến cho những ngôi biệt thự xuống cấp không phanh.

Thực tế cho thấy, nhiều biệt thự ở Hà Nội đã và đang lặng lẽ thay hình đổi dạng. Nhiều trường hợp, người ta trang trí lại mặt tiền biệt thự để phục vụ cho việc kinh doanh, buôn bán, chủ yếu là nhà hàng, quán cà phê. Rồi đến khi khó ai có thể nhận ra căn biệt thự cũ ngày nào thì bỗng chốc công trình bị san phẳng và thay thế bằng công trình cao tầng hiện đại.


Đa số các biệt thự này đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, trung tâm của Hà Nội, chính vì vậy một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị cũng cho rằng nếu bán thì cũng phải quản lý, cải tạo như thế nào, bởi nếu không sẽ tồn tại những ổ chuột ở khu trung tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không bán cũng khó lòng quản lý, duy trì được vốn kiến trúc quý giá này. Bán nhà cho dân là cách duy nhất để quản lý hiệu quả.



KTS. Ngô Trung Hải, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc – Quy hoạch đô thị nông thôn phân tích, những nguy cơ phá vỡ có thể dẫn đến từ việc thay đổi chủ của các ngôi biệt thự do việc chia tách các gia đình, giá đất cao và nhu cầu kinh doanh các dịch vụ rất lớn, hoặc do nhu cầu xây dựng chung cư, trụ sở cơ quan mới cho nên có những khu đất bị xây xen cấy, thậm chí xóa luôn các công trình kiến trúc cũ để thay bằng những công trình mới. Tình trạng này là nguy cơ làm mất đi những đặc trưng của các khu phố cũ, nơi ghi nhận hình ảnh của một giai đoạn lịch sử phát triển của Thủ đô.

Bán rồi quản cách nào?



Ông Đỗ Xuân Anh, Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, bán hay không bán đều có mục đích để quản lý được các nhà biệt thự này. Chính vì vậy thành phố đã đặt ra việc bảo tồn, tôn tạo các biệt thự dựa trên việc xác định các cấp độ. GS.TS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN cho rằng, cùng với việc đánh giá, phân loại, việc xây dựng và ban hành chính sách, thể chế để quản lý, giữ gìn là điều không kém phần quan trọng.



Theo đề án quản lý nhà biệt thự, biệt thự cấp độ 1 (tức là có giá trị về kiến trúc), bảo tồn nguyên trạng về không gian, hình dáng kiến trúc công trình, diện tích khuôn viên biệt thự, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng. Ngoài việc quản lý theo các quy định về nhà ở, đất ở phải thực hiện theo quy định về bảo tồn, tôn tạo. Với các biệt thự cấp độ 2 cho phép cải tạo, sửa chữa nhưng phải bảo đảm các điều kiện về quy hoạch, kiến trúc, mật độ xây dựng, số hộ sử dụng. Cấp độ 3 không cần bảo tồn, tôn tạo… Để tránh tình trạng “đánh lận con đen”, biệt thự cần phải bảo tồn lại được xếp vào… cấp độ 3, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải có hội đồng chuyên môn với sự tham gia của các kiến trúc sư, các nhà sử học đánh giá về giá trị lịch sử, kiến trúc và giá trị sử dụng của các biệt thự này.



Vấn đề cần làm ngay là lập hồ sơ chi tiết cho mỗi căn biệt thự trước khi bán. Trong đó nêu rõ thiết kế hiện trạng và cải tạo một cách chi tiết cho từng công trình. Người chủ của công trình buộc phải thực hiện đúng với hồ sơ khi có nhu cầu cải tạo, xây mới. Trong quá trình mua bán, kể cả việc bán nhà theo Nghị định 61/NĐ-CP hay việc mua bán sau này giữa các chủ sở hữu, người mua phải nắm rõ hồ sơ này và có cam kết thực hiện. Còn hay mất các ngôi biệt thự cũ ở Hà Nội phụ thuộc nhiều vào thái độ kiên quyết trong quá trình quản lý, xử lý khi có vi phạm, của các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương.


 



Ngân – Thu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *