Bảng giá đất năm 2010 trên địa bàn Tp.HCM về cơ bản vẫn giữ nguyên so với năm 2009. UBND Tp chủ trương không dùng bảng giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà sẽ căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế. Đây được xem là điểm mới của bảng giá đất ở Tp.HCM trong năm 2010. Hiện UBND Tp.HCM đã có tờ trình lên HĐND Tp.HCM, dự kiến công bố ngày 1/1/2010. So với bảng giá đất năm 2009, bảng giá đất năm 2010 có bổ sung thêm 151 tuyến đường, nâng tổng số tuyến đường được xác định giá trong bảng giá đất từ 2.739 tuyến lên 2.890 tuyến. trong số đó chỉ có 12 tuyến đường được UBND Tp đề xuất điều chỉnh giá theo hướng tăng cao. Cụ thể là các quận: 1, 6, 8, 12, mỗi quận có 1 đường; Q.Bình Tân có 3 đường; Q.5 có 5 đường. Các tuyến đường còn lại vẫn giữ nguyên giá theo bảng giá đất năm 2009. Theo đó, có ba tuyến đường có giá đất cao nhất là Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi với 81 triệu đ/m2. Thấp nhất là ở huyện Cần Giờ 1,2 triệu đ/m2. Về giá đất nông nghiệp: đất trồng cây lâu năm có mức giá cao nhất là 162 nghìn đ/m², đất rừng sản xuất 72 nghìn đ/m², đất làm muối 74,4 nghìn đ/m²… Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sẽ giữ nguyên tỷ lệ 60% so với giá đất ở. Các quận 4, 8 và huyện Củ Chi mặc dù có đề nghị điều chỉnh tăng giá cho một số tuyến đường, song UBND Tp quyết định vẫn giữ nguyên giá đất như năm 2009. Một trong những mục tiêu khi xác định bảng giá các loại đất năm 2010 là tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bảng giá các loại đất năm 2010 chỉ còn áp dụng cho bốn nhóm mục đích. Một là tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất. Hai là tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất. Ba là, tính lệ phí trước bạ. Bốn là, tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước. Ba nhóm mục đích bị bãi bỏ là: tính tiền bồi thường đối với hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá; tính tiền sử dụng đất, thuê đất, giao đất… Như vậy trong điều kiện người dân bị giải toả, di dời sẽ căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế để tính tiền bồi thường mà không bị giới hạn bởi khung giá đất do Tp quy định. Một số chuyên gia BĐS cho rằng, trong lúc mặt bằng giá BĐS đang cao ngất ngưởng như hiện nay, việc không tăng giá đất sẽ tạo điều kiện cho người dân dễ dàng mua nhà đất và giúp cho việc kêu gọi đầu tư của Tp.HCM hiệu quả hơn. |
Bảng giá đất năm 2010 ở TP.HCM: Góp phần bình ổn thị trường BĐS
7