Trang chủ » Bảo tồn phố cổ: Bắt đầu từ đâu?

Bảo tồn phố cổ: Bắt đầu từ đâu?

Nhiều cuộc hội thảo, nhiều nghiên cứu, đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tuy nhiên Hà Nội vẫn chưa bắt tay vào bảo tồn phố cổ.


Vấn đề bảo tồn vẫn khiến các nhà quản lý lúng túng.      ảnh: VT

Để bảo tồn phố cổ, đặt ra việc di dân có khả thi? Nhiều KTS, nhà nghiên cứu lên tiếng đồng tình với việc bảo tồn phố cổ phải làm sao để huy động được người dân sinh sống tại đó tham gia.

KTS Giorgio parodi – Chủ tịch Hội KTS Tp Genova (Italia) chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn phố cổ Hà Nội từ việc bảo tồn Tp Genova: “trùng tu khu phố cổ phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng sống và sự phát triển bền vững của người dân nơi đây. Đầu tiên là việc tối ưu hóa mạng lưới giao thông, hạ tầng cơ sở để giúp người dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Cần đưa hết xe máy, ôtô ra khỏi phố cổ, tạo thành phố đi bộ. Nhưng phải làm sao để bảo đảm mạng lưới giao thông, người dân từ nhà đến chỗ làm sao vẫn thuận tiện. Khi người dân được đảm bảo những lợi ích trong cuộc sống mà vẫn hài hòa với các chính sách của Nhà nước thì chắc chắn họ sẽ không đứng ngoài cuộc”.

Ý kiến của KTS parodi được bàTạ Quỳnh Hoa – giảng viên Khoa kiến trúc ĐH Xây dựng tán đồng. Bà Hoa cho rằng bài học từ Nhật Bản, họ huy động được sự tham gia của cộng đồng rất tốt vì mục đích của quy hoạch là phát triển đô thị bền vững, phục vụ lợi ích của người dân. “Tiềm lực của người dân phố cổ là rất lớn nhưng chúng ta chưa huy động được. Chúng ta dự định giãn dân nhưng rất ít người dân đồng ý di chuyển, dù điều kiện sống không tốt nhưng họ vẫn muốn sống tại đó, chúng ta làm sao để nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Lúc này cần đến vai trò của địa phương, để người dân thấy được giá trị của khu phố cổ, từ đó, họ sẽ góp sức giữ gìn và ủng hộ những việc làm của các cấp quản lý” – bà Hoa khẳng định.

KTS parodi cho hay, Tp Genova cũng đã từng di chuyển dân khỏi Tp nhưng tùy đối tượng mà có những biện pháp khác nhau. Đây cũng chính là điều Hà Nội cần học tập.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên KTS trưởng Tp Hà Nội cho rằng có rất nhiều cách thực hiện, chúng ta đã học tập được kinh nghiệm của hơn 10 nước bạn, họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí giúp đỡ về kinh phí, tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù riêng và sẽ có cách làm riêng. Ông Nghiêm cũng thẳng thắn: “Các phương án bảo tồn phố cổ vẫn chỉ là dự án. Theo quy hoạch khu phố cổ năm 1995 có 24 công trình di tích. Nhưng đến năm 1998, công trình di tích lên tới con số 104. Và cho tới năm 2009, trong khu phố cổ lại có đến 121 di tích lịch sử kiến trúc. Thậm chí, năm 1995, chuyên gia Việt Nam khẳng định có hơn 800 ngôi nhà cổ có giá trị. Tuy nhiên, vài năm sau đó, kiểm tra lại chỉ có khoảng 300 ngôi nhà cổ có giá trị. Hiện nay, ngay chính những nhà nghiên cứu vẫn thắc mắc và đặt ra câu hỏi: trong khu phố cổ có bao nhiêu ngôi nhà có giá trị, đặc trưng của khu này là gì, có 6 hay 8 loại hình kiến trúc?”.

Hy vọng, Hà Nội sẽ sớm xây dựng một hành lang pháp lý cho việc này, để việc bảo tồn phố cổ sẽ không chỉ còn là dự án.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.