Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng mạnh nhất do biến đổi khí hậu ( BĐKH), đặc biệt là tác động do mực nước biển dâng cao. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ là vùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có thể nói BĐKH trước hết gây ra các biến động về môi trường, khủng hoảng sinh thái, từ đó có thể dẫn đến một số vấn đề nan giải về an ninh lương thực quốc gia. Đầu tháng 6/2009 vừa qua, tại thành phố Cần Thơ đã có buổi hội thảo khoa học nhằm bàn các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Theo nhiều nhà khoa học, những nguyên nhân trên đã báo động tình trạng khu dự trữ sinh quyển đa dạng sinh học ở ĐBSCL đang chịu nhiều thách thức bởi sự khai thác quá mức để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đã tác động mạnh mẽ đến đa dạng sinh học ở ĐBSCL, mà biểu hiện dễ thấy nhất là phá vỡ cấu trúc tự nhiên của đất. Việc đắp đê bao, đào hệ thống kênh mương ngang dọc đã chia cắt ĐBSCL thành nhiều ô nhỏ. Việc tôn nền đất ở, làm đường giao thông tránh lũ, lên liếp trồng cây đã tạo nên những thay đổi về địa hình và tính chất của đất. Ở một số nơi, người dân tự ý đưa nước mặn vào đồng để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, nên đất bị nhiễm mặn không thể cải tạo để canh tác nông nghiệp. |
Bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
49