Người mua, vì nhiều lý do, thường chấp nhận và không sửa đổi hay bổ sung các điều khoản của những hợp đồng này. Khi ký kết những hợp đồng này, họ không biết mình đã tự tròng vào cổ một “thòng lọng pháp lý”.
Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) gọi những hợp đồng loại này là hợp đồng theo mẫu. Khoản 1 điều 407 BLDS 2005 quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”.
Tuy nhiên pháp luật dân sự còn có những quy định khác bảo vệ cho bên mua “yếu thế” trước bên bán “mạnh thế” – những tổ chức kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp với tiềm lực kinh tế rất mạnh và đội ngũ các chuyên viên pháp lý và luật sư hùng hậu. Khoản 2 điều 407 BLDS 2005 quy định “trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó” và khoản 3 điều 407 BLDS 2005 quy định “trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Trường hợp hợp đồng có những điều khoản gây bất lợi cho bên mua hoặc miễn trách nhiệm của bên bán, ví dụ như: Đẩy trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất hay trách nhiệm về tất cả nghĩa vụ đóng thuế cho bên mua trong hợp đồng mua bán bất động sản mà gần đây đã làm hao tốn giấy mực của báo chí với nhiều ý kiến trái ngược. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam khi giải quyết các tranh chấp hay xung đột về quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, mà các bên không có thỏa thuận gì khác, cũng cần lưu ý và áp dụng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 407 BLDS 2005, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua “yếu thế”.
B.A.H
Chia sẻ với bạn bè qua: |