Phú Yên là tỉnh có tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới đạt khoảng 58,5%. Bên cạnh nguồn vốn hạn chế, còn do nhiều công trình không phát huy hiệu quả.
Bất cập trong đầu tư Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, trên địa bàn tỉnh có 299 công trình cấp nước sinh hoạt được xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 78,8 tỷ đồng, gồm 82 hệ cấp nước tập trung phục vụ dân sinh, 126 hệ cấp nước sạch trường học và 91 hệ cấp nước sạch cho trạm y tế. Riêng hai năm gần đây, nguồn vốn giải ngân cho chương trình này lên đến 45,8 tỷ đồng nhờ thực hiện chủ trương phân cấp cho huyện làm chủ đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường của trường học và trạm y tế, đã có 53% trường học và 92% trạm y tế trên địa bàn tỉnh được cấp nước sạch. Nhờ vậy, chất lượng cuộc sống của người dân nhiều vùng nông thôn trong tỉnh được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít công trình không đem lại hiệu quả, gây lãng phí. Qua đợt giám sát của HÐND tỉnh mới đây, tại 55 công trình cấp nước (gồm 31 hệ cấp nước tập trung và 24 hệ cấp nước trường học, trạm y tế) trên địa bàn tám huyện, cho thấy có đến 13 công trình đã ngừng hoạt động, 19 công trình khác hoạt động nhưng không hiệu quả do thiếu nguồn nước, nước bị ô nhiễm, mạng cấp nước bị hỏng…. Có những tồn tại trên, trước hết là việc đầu tư kém hiệu quả, xuất phát từ khâu khảo sát, thiết kế còn hạn chế dẫn đến tình trạng khi đưa vào sử dụng thì cấp nước không đủ hoặc chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn. Tại xã Sơn Long (Sơn Hòa) xây dựng hai công trình cấp nước, trong đó công trình cấp nước ở thôn Vân Hòa xây dựng năm 2004 với kinh phí gần một tỷ đồng đến nay vẫn chưa hoàn thành; công trình cấp nước thôn Phong Hậu đầu tư từ năm 2005 nhưng hiện nay không đầu tư tiếp vì nguồn nước đã cạn. Công trình cấp nước tập trung xã An Thạch (Tuy An) đầu tư năm 2006, chỉ cấp nước được 27% hộ dân so với thiết kế và đã ngừng hoạt động, người dân sử dụng nhà quản lý vận hành để nuôi bò (!) Công trình cấp nước thôn Tuy Bình xã Ðức Bình Tây (Sông Hinh) có thiết kế cung cấp nước cho 266 hộ nhưng thực tế chỉ cấp nước đến 40 hộ và đã ngừng hoạt động. Công trình cấp nước tập trung thôn Nhất Sơn ở xã Hòa Hội (Phú Hòa) thiết kế cấp nước cho 150 hộ nhưng mới có 72 hộ sử dụng. Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Lâm với tổng mức đầu tư lên đến 2,9 tỷ đồng chỉ cấp nước được 60 hộ trong khi đó thiết kế xây dựng cấp nước hơn 400 hộ dân. Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Ðá Mài xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) đã xây dựng xong từ năm 2008 nhưng chưa thể sử dụng vì thiếu nguồn điện. Công trình cấp nước sạch Trường tiểu học số 2 Sơn Thành Ðông (Tây Hòa) đầu tư 72 triệu đồng phục vụ 460 học sinh và giáo viên, nhưng sau khi xây dựng xong không sử dụng được vì không có nguồn nước… Ðiều đáng quan tâm nữa là chất lượng nước của các công trình được gọi là nước sạch lại không đạt yêu cầu nên người dân ngại sử dụng. Trong số 24 công trình cấp nước sạch được lấy mẫu để xét nghiệm thì có đến 18 công trình có nước không đạt theo tiêu chuẩn Bộ Y tế quy định. Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Tân Phước, xã Xuân Sơn Bắc (Ðồng Xuân) vừa đưa vào sử dụng tháng 4-2009 nhưng có vi khuẩn Coliforms 110 con/ml gấp đôi so với tiêu chuẩn nước sạch theo quy định số 09/2005 của Bộ Y tế, đồng thời độ đục tại công trình nước này vượt tiêu chuẩn cho phép 26,2%. Mẫu nước xét nghiệm lấy ở công trình cấp nước sinh hoạt Phú Thạnh, xã An Thạch (Tuy An) cho kết quả hàm lượng Coliforms đến 175con/ml, cao gấp 3,5 lần so quy định; độ pH 8,6%; hàm lượng clorua 710 mg/l, đã đạt đến mức “nước cứng”. Ngoài ra, có một số công trình cấp nước khác mà chỉ nhìn bằng mắt thường vẫn thấy không đạt tiêu chuẩn chứ không cần xét nghiệm như nước của công trình cấp nước tập trung Vân Hòa (Sơn Hòa) có mầu vàng và nhiều cáu bẩn còn ở công trình cấp nước xã Krông Pa (Sơn Hòa), nước có mầu đen và rất nhiều cáu bẩn… Khai thác, sử dụng kém Những yếu kém trong quản lý, khai thác sau đầu tư cũng là nguyên nhân làm nhiều công trình cấp nước ở Phú Yên không phát huy tác dụng. Nhiều công trình sau khi bàn giao cho địa phương, đơn vị thụ hưởng quản lý chỉ trong thời gian ngắn đã xuống cấp, không còn sử dụng. Công trình cấp nước sinh hoạt xã đặc biệt khó khăn Ea Lâm (Sông Hinh) đang trong giai đoạn bảo hành, người dân đập phá các thiết bị nhằm mục đích không có chỉ số hiện trên đồng hồ để không phải trả tiền nước. Trong số hàng chục trụ vòi nước được đặt rải rác ở các buôn, hầu hết đều bị gãy. Bên cạnh đó, các tuyến đường ống dẫn nước bị hư hỏng nặng. Các công trình cấp nước tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng cao Krông Pa, Cà Lúi (Sơn Hòa) thường xuyên hư hỏng phải ngừng hoạt động, một phần do ý thức sử dụng của người dân hạn chế còn có nguyên nhân quản lý kém, thu tiền nước không đủ trả tiền điện. Công trình cấp nước sinh hoạt, vệ sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn, xã Xuân Sơn Bắc (Ðồng Xuân) xây dựng năm 2007, đấu nối từ công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tân Bình qua một máy bơm đẩy lên đài nước để xử lý bằng ozone, do máy bơm hỏng, không có kinh phí sửa chữa nên công trình không còn tác dụng… Việc quản lý, khai thác các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh chưa được quy định cụ thể, mỗi nơi làm mỗi cách. Có xã cử cán bộ quản lý vận hành, có xã giao cho tổ chức Ðoàn hoặc giao khoán cho tư nhân quản lý. Giá nước tiêu thụ cũng khác nhau từ 1.000 đến 3.000 đồng/m3. Nhiều công trình cấp nước thu không đủ bù chi nên không có kinh phí sửa chữa. Thêm vào đó việc vận hành của nhân viên tại các công trình này còn yếu về nghiệp vụ chuyên môn, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của công trình. Ðối với các công trình cấp nước và vệ sinh môi trường tại các trường học, trạm y tế, nhiều đơn vị quản lý còn thụ động, trông chờ vào cấp trên. Tại Trường tiểu học xã Xuân Quang 2, hệ thống nước sinh hoạt chỉ hỏng có hai chiếc van nhưng vẫn không khắc phục cho học sinh sử dụng vì chờ kinh phí sửa chữa của Phòng Giáo dục huyện… Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2010 có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 50% dân số được sử dụng nước sạch theo Tiêu chuẩn 09/2005/QÐ-BYT của Bộ Y tế với số lượng 60 lít/người/ngày. Nghĩa là từ nay đến năm 2010 tỉnh phải giải quyết vấn đề nước sinh hoạt thêm cho hơn 225.000 người (tương đương 26,4% số dân nông thôn). Ðiều này rất khó trở thành hiện thực nếu không khắc phục được những yếu kém bất cập trong đầu tư cũng như quản lý, khai thác nói trên. |
Bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các công trình nước sạch ở Phú Yên
59