Bể bơi vào mùa: Đến hẹn lại… lo!












KTĐT – Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp hè hàng năm, các bể bơi bắt đầu “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, do số lượng bể bơi có hạn, nên không đáp ứng nhu cầu thực tế, rơi vào tình trạng quá tải trong những ngày cao điểm.


 


Chính vì thế, nỗi lo về chất lượng nước, chất lượng phục vụ cũng như vệ sinh môi trường luôn làm đau đầu cơ quan chức năng cũng như người bơi.


 


Nhiều bể bơi chưa đạt chuẩn


 


Theo qui định, các bể bơi được xây dựng ngoài trời phải có mặt bằng thoáng rộng, có hệ thống cây xanh hoặc mái che nắng, không có rác tồn đọng xung quanh, hệ thống cống rãnh thông thoáng và đảm bảo sạch sẽ. Các bể bơi phải có cơ sở vật chất đầy đủ như phòng thay đồ, nơi tắm cho nam nữ riêng biệt, có hệ thống tắm cưỡng bức trước khi xuống bể, chế độ trực cấp cứu liên tục, đội ngũ nhân viên cứu hộ có chuyên môn nghiệp vụ… Nguồn nước sử dụng được lọc theo hệ thống tuần hoàn của công nghệ nước ngoài với đồng hồ báo chỉ số hoá chất khử trùng. Bác sĩ Minh Thái (Trung tâm Y tế dự phòng) cho biết: “Để bảo đảm tiêu chuẩn, các bể bơi chỉ được sử dụng chất clo và các dẫn xuất của nó. Nồng độ cloruamin lý tưởng phải nằm trong khoảng 0,6 – 0,8mlg/lít”.


 


Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, một số bể bơi thu hút nhiều khách bơi vẫn còn tồn tại một số yếu kém về chất lượng phục vụ… Ở những điểm này, khu phụ trợ như nhà tắm, nhà vệ sinh chưa sạch sẽ, tồn đọng rác, rêu bám. Công tác khử trùng chưa đều, nồng độ clo dư trong nước không có hoặc có thì lại quá cao. Một chuyên viên y tế cho biết, loại hóa chất an toàn được dùng cho bể bơi là Clo để diệt rêu và chất bẩn. Nhưng nếu sử dụng loại hóa chất này sẽ rất mất thời gian. Vì vậy, nhiều bể bơi đã sử dụng hóa chất thô được tinh chế, đó là axit Clohiđric (HCl). Với loại hóa chất này, nguồn nước bể bơi sẽ được xử lý nhanh chóng nhưng lại gây ra một số tác dụng phụ: da khô, rụng tóc…


 


Nếu như qui định chuẩn đối với bể bơi bắt buộc không cho những người bị bệnh da liễu, tim mạch xuống bơi thì hầu hết tại các bể bơi không có nhân viên y tế kiểm tra khách bơi. Chủ một bể bơi tại quận Thanh Xuân thừa nhận: “Nếu kiểm tra ngặt nghèo các điều kiện này thì mất hết khách. Vì vậy chúng tôi đành phải bố trí lực lượng cứu hộ, cán bộ y tế chỉ để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc”.


 


Tăng cường kiểm tra


 


Từ đầu tháng đến nay, TTYT dự phòng Hà Nội bắt đầu kiểm tra các bể bơi trên địa bàn. Một cán bộ của TTYT dự phòng cho biết, vi phạm hay gặp nhất ở các bể bơi là khâu vệ sinh ngoại cảnh, ngoài ra ở một số bể bơi, chất lượng nước không đảm bảo. Vì vậy, để tăng cường chất lượng nước, năm nay nhiều bể bơi hạn chế lượng vé bán ra khi thấy lượng khách trong bể quá đông, ngoài ra đảm bảo số lượng nhân viên, lực lượng cứu hộ cũng như y tế để phục vụ khách. So với vài năm trước, hầu hết các bể bơi Hà Nội đều sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn nên chất lượng nước các bể bơi được cải thiện phần nào.


 


Để đảm bảo sức khoẻ cho người đến bơi, TTYT Dự phòng đã khuyến cáo bể bơi nên duy trì tốt các chế độ vệ sinh ngoại cảnh, môi trường, đặc biệt luôn quan tâm chế độ khử trùng nước bằng hoá chất kịp thời để đảm bảo hợp vệ sinh. Với những bể bơi còn dùng nước giếng khoan và thay nước toàn bộ nên thường xuyên tổng vệ sinh khu vực giếng nước dàn mưa, bể lắng lọc và nâng cấp một số bể đã xuống cấp.


 


Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các Trung tâm Y tế các quận, huyện yêu cầu lập kế hoạch kiểm tra đối với các bể bơi trên địa bàn thành phố đồng thời sẽ tiến hành xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.


 


 



Bài, ảnh: Nguyên Hoàng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *