|
KTĐT – Chỉ còn hơn 450 ngày nữa là tới dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội song nhiều dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội vẫn còn vướng mắc về GPMB. Dù khối lượng công việc còn rất bề bộn song thành phố yêu cầu bằng mọi cách tăng tốc để hoàn thành GPMB các công trình lớn vào cuối năm 2009, kịp có mặt bằng sạch phục vụ thi công xong trước ngày Đại lễ.
Công việc gấp đôi
Theo ông Nguyễn Đức Biền – Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP, từ đầu năm đến nay, Hà Nội triển khai tới 884 dự án đầu tư có liên quan đến GPMB, tăng gấp 2 lần so với trước khi mở rộng địa giới hành chính. Gần 900 dự án này có quy mô thu hồi đất trên 12.044 ha, liên quan đến hơn 192.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, với tổng số hộ phải bố trí tái định cư trên 21.000. Với khối lượng GPMB khổng lồ như vậy, trong những tháng đầu năm, Hà Nội mới cơ bản GPMB xong 84 dự án, trong đó, có 65 dự án hoàn thành toàn bộ.
Có thể nhận thấy khối lượng công việc GPMB còn hết sức bề bộn nếu điểm qua một vài dự án trọng điểm của Hà Nội. Tại dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32, theo kế hoạch, từ nay tới hết năm 2009, chỉ riêng đoạn Cầu Diễn – Nhổn, khối lượng GPMB là 20,95 ha thuộc 1.117 hộ dân và 31 cơ quan.
Tương tự, ở đoạn Mai Dịch – Cầu Diễn, chủ đầu tư cần phải GPMB 1,6ha đất ở thuộc 200 hộ dân. ở dự án đường vành đai 3, một trong những dự án “nổi tiếng” nhất Hà Nội về GPMB “rùa”, đoạn Lê Văn Lương tới nút giao Thanh Xuân đã cơ bản hoàn thành. Song tại nút giao Thanh Xuân, mới có 146/346 hộ bàn giao mặt bằng, UBND TP đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh GPMB tại nút thắt này để bảo đảm tiến độ thi công.
Đối với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, công tác GPMB đang được đánh giá là “diễn biến tích cực”. Hiện nay, khối lượng công việc còn lại ở các huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức không đáng kể và dự kiến kết thúc trước 30-7 song vướng mắc lớn nhất tại dự án này đang nằm ở huyện Thạch Thất, đặc biệt là tại nút giao Hòa Lạc.
UBND huyện Thạch Thất đang tập trung xác nhận nguồn gốc đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Để tăng tốc GPMB, UBND TP đã cho phép huyện áp dụng cơ chế tạm cư để khuyến khích các hộ khẩn trương bàn giao mặt bằng. Mục tiêu của thành phố là phải kết thúc GPMB trước 30-8.
Đi tìm lời giải
Tính đến 30-6-2009, trong tổng số 884 dự án có liên quan tới GPMB đang triển khai, Hà Nội mới hoàn thành GPMB 65 dự án. 19 dự án khác đã bàn giao một phần diện tích theo phân kỳ đầu tư, thu hồi 526ha đất, chi trả 1.455 tỷ đồng cho 13.126 hộ, tái định cư cho 1.056 hộ. |
Cho rằng kết quả GPMB còn chậm so với yêu cầu, ông Nguyễn Đức Biền xác định, chủ yếu do một số cơ chế chính sách GPMB còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ và kịp thời. Đã vậy, bộ máy chuyên trách GPMB tại quận, huyện chưa đủ tư cách pháp nhân dẫn đến cán bộ không chuyên sâu, phương pháp làm việc hạn chế, chưa tạo sự đồng thuận với người bị thu hồi đất về đầu tư và phát triển, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Đặc biệt, công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm trong khi hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ kịp thời… khiến người dân chưa thực sự yên tâm khi dọn tới nơi ở mới. Không chỉ có vậy, phối hợp giữa chủ đầu tư – nhà thầu và địa phương cũng chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn nhiều dự án đã xong GPMB nhưng lại chậm trễ thi công, để đất hoang hóa.
Ý kiến từ nhiều quận, huyện cho biết, “nóng” nhất, gay gắt nhất và gây nhiều bức xúc đối với người bị thu hồi đất là nội dung xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất ở nhiều nơi còn thực hiện cứng nhắc, lúng túng chưa bám sát chính sách và thực tế về quá trình quản lý, sử dụng đất đai của người dân. ở góc độ khác, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận các hộ và người dân trong diện bị thu hồi đất chưa nghiêm túc cũng gây rất nhiều khó khăn cho công tác GPMB.
Quan trọng hơn cả, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, GPMB các dự án ì ạch còn do ý thức trách nhiệm, sự quyết tâm của các cơ quan liên quan rất thấp. Ông Vũ Hồng Khanh nêu ví dụ: “GPMB đường Láng – Hòa Lạc chậm tiến độ, thành phố phải mời 4 huyện liên quan lên để gỡ ách tắc. Lãnh đạo các huyện đều nêu ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc để “đổ lỗi”. Song, các “nút thắt” đó thực chất đều đã được lãnh đạo thành phố ban hành văn bản tháo gỡ từ trước đó 3 tháng!”.
Nhấn mạnh tính cấp thiết và bức xúc của GPMB các dự án trọng điểm, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tính bài bản, “sách giáo khoa”, thành phố có thể sẽ tiến hành giao ban liên tục tới khi nào những “nút thắt” được gỡ hết mới thôi. Ông Vũ Hồng Khanh nói: “Có thể một tuần giao ban một lần, làm tới khi nào hết vướng mới thôi. “Đụng” tới quận huyện, xã phường, sở ngành nào, thành phố sẵn sàng mời lên để chỉ đạo từng việc còn vướng mắc…”.
Theo ANTĐ