Trang chủ » Bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 7

Bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 7

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Sáng 27-11- 2009, tại Hà Nội, Quốc hội đã họp phiên bế mạc và thông qua 2 Nghị quyết quan trọng.   Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá 7.

Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Quốc hội ghi nhận trong thời gian qua, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thể hiện được vai trò chủ đạo, có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Đại bộ phận các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã bảo toàn và phát triển vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ được Nhà nước giao.

Tuy nhiên Quốc hội cũng  tán thành với các đánh giá trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về những hạn chế, thiếu sót trong các chính sách, pháp luật đã ban hành; những tồn tại, yếu kém trong tổ chức quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của các cơ quan quản lý các cấp và bản thân các tập đoàn, tổng công ty. Một số lượng không nhỏ tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục phân tích sâu sắc, đánh giá toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện 7 nhiệm vụ, trong đó có những việc như: 

Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý, quản trị doanh nghiệp, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sớm trình để ban hành Luật sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào kinh doanh.

Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách bạch rõ ràng thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Có giải pháp xử lý sớm, kiên quyết, dứt điểm các tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi, cần thiết thì áp dụng quy định của pháp luật về phá sản, làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật.

Sớm tiến hành tổng kết việc xử lý nợ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước để có biện pháp hữu hiệu, tập trung giải quyết tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh đang gây khó khăn về tài chính nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp. 

Cần có quy định cụ thể về chế độ báo cáo và công khai, minh bạch kết quả hoạt động bao gồm cả phân phối lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng làm cơ sở để kiểm tra, kiểm soát, thanh tra và giám sát.

trong phiên bế mạc, QH cũng đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khoá XII. Theo đó, Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục trả lời bằng văn bản các chất vấn của đại biểu Quốc hội và các vị đã trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội có biện pháp cụ thể, thiết thực thực hiện có hiệu quả 4 vấn đề gắn với việc thực hiện Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2010  và báo cáo kết quả với Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Thứ nhất là về triển khai gói kích thích kinh tế; quản lý thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ. Cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định 497/QĐ-Cp của Chính phủ và các quy định chưa phù hợp về điều kiện, thủ tục để tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng làm nhà ở đối với những hộ khó khăn và các tổ chức kinh tế, cá nhân sản xuất kinh doanh có hướng phát triển rõ rệt. Có biện pháp ngăn chặn và xử lý những tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ kích thích kinh tế của Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ nợ quá hạn, nhất là nợ xấu trong phạm vi kiểm soát, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ. Chủ động kiểm soát các nhân tố gây lạm phát cao trở lại. Coi trọng chất lượng dự báo, xử lý kiên quyết tình trạng đầu cơ, tăng giá đột biến, các tiêu cực khác gây mất ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ hai, về quản lý nhà nước đối với báo chí, internet, hạ tầng viễn thông, cần chấn chỉnh và phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo giữa các bộ, ngành; quy định và quản lý chặt chẽ các điều kiện hoạt động cụ thể đối với lĩnh vực internet nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị đạo đức của người Việt Nam. Áp dụng đồng bộ các biện pháp, tuyên truyền, giáo dục, hành chính, phát huy vai trò của Nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội để ngăn ngừa những tiêu cực của internet, trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ ba, về quản lý và phát triển thị trường nội địa; điều hành xuất nhập khẩu, phát triển thủy điện vừa và nhỏ, cần tăng cường chống nhập lậu, buôn lậu, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng và xây dựng chế tài đủ mạnh xử lý vi phạm trong các hoạt động này. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển thuỷ điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ; đồng thời kiểm tra mạng lưới thủy điện vừa và nhỏ trong cả nước, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện quy hoạch đã đề ra, bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa  phát triển thủy điện với bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản, yêu cầu về thủy lợi, bảo vệ môi trường và phòng, chống bão lũ.

Thứ tư, về quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính, QH yêu cầu trong năm 2010 bảo đảm đạt được mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính mà vẫn vận hành thông suốt, nâng cao hiệu lực và hiệu quả, khắc phục được những tiêu cực trong hoạt động quản lý của Nhà nước.

Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp thứ sáu và thứ bảy của Quốc hội, xem xét những nội dung được đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp và những chất vấn khác được gửi đến trong thời gian giữa hai kỳ họp để tổ chức việc chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia hoạt động chất vấn trong thời gian giữa hai kỳ họp.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.