Bình Dương kêu gọi xây dựng nhà ở xã hội





Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội thảo kêu gọi các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh cùng xắn tay xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt cho người lao động.



Hơn 312.000 công nhân cần chỗ ở



Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương, hiện nay tổng số công nhân (CN) đang làm việc tại 19 KCN và các nhà máy ngoài KCN lên đến 625.000 người, nhưng chỉ có 118 DN xây dựng nhà ở đáp ứng nhu cầu của khoảng 6.000 cán bộ công nhân viên. “Ngoài những người có nhà riêng đi về trong ngày, hiện nay Bình Dương còn hơn 312.000 CN có nhu cầu về nhà ở. Thiếu nhà ở, các CN phải chen chúc trong 14.000 phòng trọ mà người dân tự xây dựng, có nhiều phòng trọ chỉ 8-12m2 nhưng là chỗ ở của 3-4 CN, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Đó là chưa kể một số nhà trọ được xây dựng tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh, mất trật tự và không an toàn PCCC…”, ông Nguyễn Văn Khương, Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nêu thực trạng.


Hàng trăm ngàn công nhân lao động ở Bình Dương đang có nhu cầu về nhà ở



Cũng theo ông Khương, cách đây 10 năm LĐLĐ đã nhìn thấy được nhu cầu bức xúc của người lao động nên nhiều lần kiến nghị với UBND tỉnh Bình Dương phải có ý kiến với Trung ương về nhà ở cho CN, nhưng đến nay Bộ Xây dựng mới có những chính sách cụ thể.



Không chỉ cơ quan quản lý, phía DN cũng muốn có nơi an cư cho người lao động. Ông Nguyễn Văn Phương, Trợ lý tổng giám đốc Công ty Đại Thiên Lộc (KCN Sóng Thần II, H.Dĩ An, Bình Dương), cho biết hiện công ty đang mở rộng đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất thép tại KCN Sóng Thần III. Song song, công ty làm văn bản gửi Sở Xây dựng xin cấp đất xây dựng nhà ở xã hội cho khoảng 600 CN (diện tích xây dựng khoảng 4.000m2). “Hiện nay, do không có quỹ đất nên khoảng 300 CN của công ty phải ở trọ rải rác khắp nơi. Trong tương lai, nhà máy mở rộng sản xuất cần thêm 600 lao động nên chúng tôi muốn xây dựng một khu nhà để CN có nơi ở ổn định, như vậy họ mới gắn bó với nhà máy lâu dài hơn”, ông Phương nói và mong muốn có sự hỗ trợ về chính sách cụ thể để DN xây dựng nhà ở cho CN.



Nhà nước và DN cùng làm








Theo đề án của UBND tỉnh Bình Dương, đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội thì được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất; các đơn vị được chọn làm chủ đầu tư được phép tổ chức, vận hành dự án sau khi kết thúc đầu tư xây dựng (thu phí vệ sinh, bảo vệ…); các DN được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương.


Ông Phạm Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm quy hoạch Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, thông tin: sau khi Bình Dương được chọn làm nơi thí điểm xây dựng nhà ở xã hội (ngoài Hà Nội và TP.HCM), UBND tỉnh đã chọn được 12 khu đất ở thị xã Thủ Dầu Một, huyện Dĩ An, huyện Thuận An và huyện Bến Cát, Khu liên hợp Công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương… để xây dựng, kinh phí dự kiến khoảng 273,5 tỉ đồng. “Nếu không có gì thay đổi, vào tháng 6.2009 chúng tôi tiến hành khởi công xây dựng chung cư Phú Hòa (thị xã Thủ Dầu Một) với diện tích 1 trệt 5 lầu (117 căn) để cho thuê. Đến quý III/2009 tiến hành triển khai 5 dự án tiếp theo ở thị xã Thủ Dầu Một (2 dự án) và các huyện: Dĩ An, Thuận An và Bến Cát”, ông Tuấn nói.


Chung cư Phú Hòa, một trong những dự án nhà xã hội chuẩn bị khởi công xây dựng



Cũng theo ông Tuấn, trong 6 dự án nhà ở xã hội triển khai giai đoạn 2009-2010, vốn ngân sách nhà nước đầu tư 3 dự án, còn lại giao cho DN vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển Bình Dương. Riêng 6 dự án thực hiện giai đoạn 2010-2012 phải mời gọi các DN trong và ngoài tỉnh cùng đầu tư.



Tham dự buổi hội thảo, ông Phạm Hoàng Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết theo quy hoạch đến năm 2020 Bình Dương có đến 27 KCN và 10 cụm công nghiệp, với diện tích lên đến 25.000 ha, gấp hơn 2 lần diện tích đất công nghiệp hiện nay, thu hút thêm khoảng 392.000 CN, chưa kể số công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp… cũng dự kiến thêm khoảng 16.000 người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *