|
KTĐT – Nhiều chuyên gia tại Hội thảo quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị ngày 15-7 cho biết, nhiều năm trở lại đây, chiều cao đô thị đã được chú ý phát triển, song vấn đề chiều sâu, không gian ngầm thì dường như lại bị lãng quên trong khi nó được đánh giá là “mỏ vàng” với rất nhiều tiềm năng…
Bỏ quên “vàng”
Hà Nội có thể xem là một điển hình của sự quên phát triển không gian ngầm. Dù bãi đỗ xe tĩnh rất thiếu, nhưng hàng loạt công sở, tòa nhà lớn xây dựng trong nội thành lại “quên” làm tầng hầm hoặc có nhưng quy mô không đủ đáp ứng yêu cầu. Kết quả tất yếu là đường, hè phố đã chật hẹp lại phải “gánh” thêm lượng xe cộ “tràn” ra từ các tòa nhà thiếu tầng hầm.
Bàn về lợi ích của công trình ngầm theo ông Lê Khắc Hiệp – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vincom đã so sánh những không gian dưới mặt đất các đô thị lớn của Việt Nam là những “mỏ vàng”. Ông Lê Khắc Hiệp nói: “Giá đất tại trung tâm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hiện nay đứng vào hàng đắt nhất thế giới, nếu tận dụng được cả không gian ngầm thì lợi ích kinh tế rất lớn”.
Theo ông Lê Khắc Hiệp, phát triển không gian ngầm đô thị hiện nay tại Việt Nam không chỉ tập trung vào những công trình mang tính hạ tầng kỹ thuật thuần túy như hệ thống đường dây, đường ống mà phải đi theo hướng những công trình ngầm đa chức năng, là tổ hợp gồm trung tâm thương mại, sinh hoạt công cộng, vui chơi giải trí… Có như vậy mới phát huy hết hiệu năng kinh tế của không gian ngầm đô thị.
Tiến Sỹ Nguyễn Hồng Tiến – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, theo tư duy mới, một đô thị được coi là mẫu mực sẽ là đô thị với hệ thống văn phòng, công sở, cửa hàng, hệ thống giao thông huyết mạch… sẽ nằm toàn bộ dưới lòng đất trả lại mặt bằng bên trên là các công viên, cây xanh và các khu vực vui chơi giải trí.
Thực tế cho thấy, các không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. “Nhu cầu về tính văn minh, hiện đại và mỹ quan đô thị đã và đang đòi hỏi việc phát triển hướng đến khả năng tận dụng, phát triển song song cả chiều cao và chiều sâu của đô thị,” – ông Lưu Đức Hải (Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng) nói.
Thiếu hành lang pháp lý
Cũng theo PGS.TS Lưu Đức Hải, mặc dù tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có không ít công trình ngầm lớn, tầng hầm cũng dần trở nên phổ biến hơn nhưng vấn đề nan giải nhất là hành lang pháp lý chưa đủ, quy hoạch còn thể hiện nhiều điểm bất hợp lý. Trên thực tế, quy định pháp luật về công trình ngầm hoàn toàn không thiếu nhưng các quy định này còn rất sơ sài, mơ hồ hoặc bỏ qua. Theo ông Lưu Đức Hải, điều này đã làm khó các cơ quan quản lý mỗi khi các công trình ngầm xảy ra sự cố vì không có được sự quản lý đồng bộ.
Mặt khác, công trình ngầm là loại công trình xây dựng rất phức tạp, độ rủi ro cao, đầu tư ban đầu lớn, xây dựng lẫn vận hành khai thác đều đòi hỏi tính kỹ thuật, công nghệ và trình độ cao… nên việc chưa có một thiết kế điển hình, chưa có các quy chuẩn cụ thể cho loại hình này đã khiến cho các công trình ngầm, đặc biệt là các công trình ngầm ở các công trình xây dựng trở nên “trăm hoa đua nở”, không theo một quy định nào về kỹ thuật. Sự bất hợp lý này đã được thể hiện trên thực tế khi hàng loạt sự cố như ngập mỗi khi có mưa to, không có bình chữa cháy, làm lún nứt nhà bên cạnh… xảy ra thường xuyên.
Bên cạnh hành lang pháp lý, các chuyên gia cho rằng, quy hoạch xây dựng hệ thống công trình ngầm chính là điểm mấu chốt. Ông Lưu Đức Hải kiến nghị, Nhà nước cần đi trước một bước bằng cách bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch một cách bài bản, tạo điều kiện cho việc phát triển không gian ngầm trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Lưu Đức Hải cũng thừa nhận, đây là việc làm rất phức tạp phải sử dụng kỹ thuật hiện đại liên quan đến nhiều chuyên ngành như địa chất, thủy văn, xây dựng, văn hóa, lịch sử… còn phải có nguồn lực về tài chính rất lớn và quan trọng nhất là tầm nhìn của chính các nhà quy hoạch.
Theo ANTĐ