– Cơ quan chức năng tại TP.HCM đang tính đến chuyện trang bị cho người dân kỹ năng bơi lội vì ngập lụt đô thị đến mức không thể kiểm soát được, sẽ trầm trọng hơn, có thể đe dọa đến mạng sống con người. Hiện TP.HCM đang triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD để chống ngập cho vùng nội thành. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ (Ths.) Hồ Long Phi (Đại học Bách khoa TP.HCM), nếu cả 4 dự án chống ngập lớn trên có hoàn thành trong 5 năm tới thì cũng chỉ giảm được 50% số điểm ngập.
“TP.HCM phát triển về hướng biển Đông, phần lớn diện tích quá thấp so với mực nước biển, nước biển dâng lên 0,5m nữa thì TP.HCM chỉ còn là hai cái đảo, nếu không có biện pháp kiểm soát”- Ths. Phi nói. Tại hội thảo khoa học quốc tế về “tác động của biến đổi khí hậu đối với ngập lụt đô thị năm 2009” diễn ra tại TP.HCM vào cuối tuần qua, nhiều chuyên gia chống ngập cũng thừa nhận: không kiểm soát ngập 100% được, kể cả ở các nước có trình độ chống ngập “siêu đẳng”.
Trong khi đó, không những TP.HCM thường xuyên phải đối mặt với triều cường dâng cao, lượng mưa năm sau cao hơn năm trước mà Tiến sĩ khoa học Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn cho hay, TP.HCM là 1 trong 10 thành phố lớn trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề với hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. TP.HCM dù chưa gặp trận “đại hồng thủy” như đã xảy ra ở Hà Nội vào năm 2008, nhưng TP.HCM đã xảy ra những trận mưa lịch sử, gây thiệt hại nặng về tài sản. Chưa kể, TP.HCM là vùng thấp, không chỉ bị tác động bởi mưa, triều cường dâng mà còn phải “chịu trận” trước những đợt xả lũ của hồ chứa nước Dầu Tiếng (Tây Ninh), Trị An (Đồng Nai) và hồ thủy điện ở Bình Phước. Đã có dự báo, nếu xảy ra lũ lớn thì phần lớn diện tích của quận 2, 7, 8, 9, huyện Nhà Bè… sẽ chìm sâu trong nước. Trong khi các nhà khoa học đang bàn tìm giải pháp chống ngập, hạn chế những ảnh hưởng xấu của biến đổi khí hậu thì cùng lúc, UBND TP.HCM ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố. Song song với việc vận động kể trên, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng phải phối hợp với các sở – ngành, các quận – huyện lên chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng bơi, lặn, cứu người bị nạn trên sông, trên biển cho cán bộ làm công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
|
Bó tay với ngập, TP.HCM phát động dân… học bơi
4