Các lò gạch tự phát vẫn ngang nhiên “nhả” khói











Các lò gạch ở Châu Can, Phú Xuyên vẫn nhả khói.

Hanoinet – Dọc sông Hồng, sông Đuống, hàng trăm lò gạch thủ công vẫn thi nhau nhả khói vì lợi nhuận, vì ngân sách địa phương bất chấp ô nhiễm môi trường, thậm chí ảnh hưởng tới hành lang đê như ở Hà Nam, Thái Bình… 


Chấm dứt hai lần, nhưng lò vẫn khói


Người dân xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cùng nhiều địa phương khác chưa hết kinh hoàng bởi vụ tai nạn lao động do sập lò gạch khiến 5 người lao động chết tại chỗ, 6 người khác bị thương. Đáng tiếc, đây là điều đã được cảnh báo cho hàng ngàn chủ lò gạch đốt thủ công trong toàn quốc, không chỉ về sự mất an toàn mà còn ảnh hưởng tới môi trường sống và sức khỏe của chính người lao động.


Trở lại hiện trường vụ tai nạn xảy ra ngày 7/1/2008, ở thôn Cổ Châu, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên. Khi cảm xúc dần nguôi ngoai bởi sự chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả tai nạn của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền các cấp, của báo, đài Trung ương và địa phương đối với các gia đình có người bị nạn, thì người ta lại cảm thấy bất bình, bất an khi những làn khói từ lò gạch từng xảy ra tai nạn vẫn thản nhiên thả lên trời.


Nguyên nhân vụ tai nạn đã được Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tây (lúc đó) cùng huyện Phú Xuyên làm rõ, là do gạch được xây dựng hết sức sơ sài, không đảm bảo an toàn. Sau tai nạn, người ta chắc chắn rằng, các lò gạch nơi đây sẽ bị đóng cửa.


Ông chủ lò đã khai nhận: Chỉ có hợp đồng miệng với lao động; không có trang bị bảo hộ lao động cho công nhân, cũng không có điều kiện tập huấn về an toàn lao động. Duy nhất một sự ràng buộc, đó là mức khoán 35.000đ/1.000 viên gánh gạch vào, ra lò mà người lao động được hưởng khi nhận lời làm. Vậy tại sao lò gạch tái hoạt động?


Ông Cao Thi – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Can giải thích khá đơn giản: “Vì hợp đồng giữa 2 xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) và Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) với chủ lò gạch vẫn còn hiệu lực mấy năm. Hơn nữa, xã đã hai lần gọi chủ lò gạch lên yêu cầu thanh lý hợp đồng, nhưng chủ lò vẫn đốt vì tận dụng số đất đã mất công đánh đống còn lại…”.


Kiểm soát lò gạch: Khó khăn còn đó!


Những lò xây lại tại Châu Can đã kiểm định an toàn chưa? Không ai trả lời câu hỏi này. Bởi có lẽ không cơ quan nào, tiêu chuẩn an toàn nào xây dựng riêng cho lò gạch thủ công trong toàn quốc. Đây là kẽ hở lớn trong quản lý. Không ít lần báo chí lên tiếng, dọc sông Hồng, sông Đuống thuộc các huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên và địa phận Hà Tây cũ có hàng trăm lò gạch thủ công hoạt động rất phức tạp.


Các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Bình, Hà Nam… hàng loạt lò gạch vẫn thi nhau nhả khói vì lợi nhuận, vì ngân sách địa phương bất chấp ô nhiễm môi trường, thậm chí ảnh hưởng tới hành lang đê như ở Hà Nam, Thái Bình… Hậu quả là lò gạch xâm hại môi trường, mất an toàn cho người lao động.


Công bố mới đây của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy: 100% cây trồng cách lò gạch từ 50m đến 200m không thể thu hoạch được do cháy sém, táp lá, rụng quả; cách lò từ 200m đến 500m, cây trồng bị giảm năng suất từ 25 đến 30%, thậm chí 40% như nhãn, vải; bác sĩ đã chỉ rõ, lò gạch ảnh hưởng trực tiếp tới hệ hô hấp của con người…


Tinh thần của Quyết định 115/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành năm 2001, là xóa lò gạch thủ công tự phát vào 2010. Nhưng thực tế, các lò gạch thủ công tuy tự phát nhưng hàng năm nó đều có đóng góp vào nguồn ngân sách xã, phường vốn hạn hẹp. Mặt khác, phần đông lao động nông nhàn ở nông thôn thiếu việc làm, thì gánh gạch dù nặng nhọc nhưng họ vẫn lựa chọn vì cuộc sống mưu sinh. Vì thế, xóa bỏ ngay lò gạch trên thực tế là điều không dễ!


Nhận thấy điều đó, theo ông Vụ trưởng Vụ Vật liệu – Bộ Xây dựng Nguyễn Quang Cung, mới đây Quyết định 152/QĐ-TTg của Thủ tướng đã được ban hành thay thế Quyết định 115. Theo đó, bất kể lò gạch nào không đáp ứng tiêu chí về môi trường, an toàn lao động… đều bị xóa bỏ. Điểm mới là khuyến khích đưa công nghệ làm gạch không nung như gạch xi măng, vật liệu nhẹ vào thay thế gạch truyền thống. Nhưng cốt lõi để thực hiện có hiệu quả Quyết định 152/QĐ-TTg, vẫn là vai trò của chính quyền các cấp và chế tài xử lý nghiêm đối với những sai phạm trong lĩnh vực này



Theo CAND

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *