|
Dày đặc những hiệu cầm đồ
Nắm bắt được tâm lí của sinh viên, nhiều người dân đã mở hiệu cầm đồ xung quanh các trường ĐH. Dịch vụ này ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt, khi cách đây độ 5 năm, cả hai phường Đồng Tâm và Bách Khoa chỉ có khoảng trên dưới chục hiệu cầm đồ. Hiện nay, con số đó đã tăng gấp 5 lần. Thực trạng này đã phản ánh số “cầu” đang kích thích số “cung”.
Các hiệu cầm đồ bây giờ không thu hồi tạp nham đủ loại như trước đây, mà phân loại và chuyên môn hóa dần các món hàng cầm cố. Đồ vật đem đi cầm thường là các linh kiện máy tính và điện thoại di động. Nhiều hiệu cầm đồ đã trở thành điểm đến quen thuộc của sinh viên trong mỗi mùa thi, hoặc mùa bóng đá. Các hiệu cầm đồ trên phố Bạch Mai được xem là quán ruột của “thượng đế” là sinh viên Bách Khoa.
Xuân H. – K50 Khoa Cơ khí (ĐH Bách khoa) bật mí: “Hiệu cầm đồ trên đường Lê Thanh Nghị không “hậu hĩnh” như trên phố Bạch Mai. Vì thế, bọn mình toàn tuồn hàng vào phố Bạch Mai thôi”. Loại hàng mà H. nói tới chính là những linh kiện máy tính và điện thoại di động. Xuất xứ của những mặt hàng này thì chủ cửa hàng cầm đồ cũng không bao giờ hỏi đến, cứ có hàng là họ nhận.
Anh X., chủ một cửa hàng cầm đồ trên phố Bạch Mai cho biết: “Cửa hàng cầm đồ mọc như nấm sau mưa. Mình mà không thoải mái thì mất khách à? Chúng tôi cũng chỉ biết giữ đồ cho họ chứ hỏi đích xác đồ đó ở đâu làm gì cho mệt”.
Hiệu cầm đồ mọc lên nhan nhản ken dày cả 4 con đường bao vòng quanh hai trường ĐH Bách khoa và ĐH Xây dựng. Hoạt động cầm cố sôi nổi cả ngày và đêm tại đường Tạ Quang Bửu vòng ngoài, đường Lê Thanh Nghị mặt trước, đường Trần Đại Nghĩa mặt giữa, và cuối cùng là phố Bạch Mai mặt sau.
Trung bình, mỗi đường cũng có đến hơn chục hiệu cầm đồ, đó là chưa kể những hiệu nhỏ lẻ trong ngõ. Tất cả đều phục vụ cho nhu cầu của sinh viên trong mọi mùa, nhưng nhiều nhất vẫn là mùa bóng đá và mùa thi.
Đốt tiền vào lô đề, game và nhậu
Quanh khu KTX của các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân, cứ đi vài bước chân đã thấy có một quán game hoặc “tổ lô đề”. Mạng lưới này chăng khắp ngả như… mạng nhện và chỉ biết “dừng” trước ngưỡng cổng KTX vì sợ Ban quản lí.
Không khó khăn để kiếm một quán có Internet, nhưng để có Internet đọc báo hay tìm tin thì dường như không có quán nào phục vụ được. Với gần chục nghìn sinh viên nam của cả 3 trường cộng lại, khu vực này chính là “thiên đường” làm ăn của những cửa hàng cung cấp dịch vụ game ở đây.
Chị Lê Thị Hằng – chủ một quán game trong ngõ 204 – phố Vọng kể: “Đối tượng phục vụ chủ yếu là các bạn sinh viên. Nhiều người chơi game thâu đêm suốt sáng. Nhiều khi mình nghĩ không biết tiền đâu mà họ chơi lắm thế”.
Ông Phạm Thanh Nghì – Giám đốc Trung tâm nội trú ĐH Bách khoa HN thừa nhận: “Quả thật, nam sinh của trường cũng hay chơi game. Có nhiều đêm thấy sinh viên về muộn, chúng tôi đã hỏi nguyên nhân và có nhiều người đã thú thật là đi chơi game, mải mê quá nên về muộn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ bị hút bởi game, nhiều nam sinh tại các KTX này còn nghiện cả “lô đề”. Hoàng P. – sinh viên năm nhất Khoa Kiến trúc, Trường ĐHXD hồ hởi: “Em mới cắm con N72, mẹ em mới mua để liên lạc với gia đình. Tất tần tật em ném vào vụ lô này. Hi vọng lắm! Muốn làm giàu nhanh thì phải có gan”. Và P. cũng như nhiều sinh viên khác, tiền từ hiệu cầm đồ lại “phi thẳng tuột” ra các quán game và lô đề… Như vô tình, các hiệu cầm đồ và lô đề cứ như… bắt tay hợp tác làm ăn.
Rồi lần lượt các quán bia cỏ hùa nhau mọc lên như “tiếp sức” cho những cậu chàng choai choai mặt vẫn còn “búng ra sữa”. Mới ra Hà Nội chưa được hai năm mà cậu sinh viên tên Tuấn D. đã ngụp lặn trong bia rượu…
Anh Nguyễn Đăng P. – một cựu sinh viên trường từng trọ tại KTX Bách khoa kể: “Ngày trước cứ thi xong anh em trong phòng lại tụ tập nhậu nhẹt, góp tiền rồi ra mấy quán bia cạnh cổng KTX. Nếu đợt nào không có tiền thì nghỉ bia và thay cuộc nhậu bằng rượu”. P. cho biết thêm, nhiều anh chàng tỉnh lẻ không có tiền tham gia nhưng muốn khẳng định đẳng cấp ăn chơi cho bằng bậc đàn anh thường vay tiền bạn bè hay cắm đồ tại các hiệu.
Hệ quả “mỗi nhà một đại ca”
Một sinh viên đang ở nhà B4, KTX Bách khoa tiết lộ: “Mỗi nhà ở KTX này thường có một tay “anh chị”. Sinh viên ở KTX muốn sống yên lành thì phải biết chiều lòng những đại ca đó”.
KTX Bách khoa bao gồm 3 khu với 10 toà nhà, việc quản lí an ninh trật tự là vô cùng khó khăn. Ban quản lí tại các KTX đã liên kết với CA phường, rồi thành lập những tổ thanh niên xung kích, nhưng tình hình “bất ổn” vẫn chưa hề thuyên giảm. Những cuộc ẩu đả bằng dao và mã tấu cũng chưa hết, thậm chí còn có chuyện “đầu gấu sinh viên” cầm dao đánh đuổi bảo vệ.
Tại hai phường này, lực lượng công an đã nhiều lần triệu tập để xử lí, nhưng hiện tượng này vẫn xảy ra ở cấp độ thường xuyên.
Theo các sinh viên tại KTX ở đây, những thành phần bất hảo hay gây rối hầu hết là những sinh viên bị “tăng ca”, tụt lớp do ham chơi lô đề, game, rượu chè. Có những người bị nhà trường đuổi học nhưng vẫn ở chui trong KTX, không về quê mà hàng ngày gây mất trật tự công cộng.
P.T.Đ – sinh viên K48 – Khoa Năng lượng (ĐH Bách khoa) tâm sự: “Ra trường rồi mình mới dám kể. Ngày xưa mình cũng tham gia mấy băng trong KTX. Cả KTX cũng phải có đến gần chục nhóm đàn anh, chơi với nhóm này là không sợ bị ai bắt nạt”.
Theo Đ., mỗi lần muốn “xử lí” một đối tượng nào đó, cả nhóm kéo nhau tụ tập lại rồi đưa nạn nhân vào chỗ không có sự kiểm soát của lực lượng an ninh và cứ thế hành động. Điều đáng nói nhất chính là nạn nhân dù có bị đánh oan ức thế nào cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm ở các KTX này hiện tại không chỉ dừng lại ở việc ẩu đả nhau mà là chuyện mất cắp. Điện thoại di động, các linh kiện máy tính thường là vật dễ “bay hơi” nhất. Và việc tẩu tán những đồ vật đó thì quá đơn giản khi những hiệu cầm đồ mọc chi chít ở quanh khu vực này.
Tại khu vực huyện Từ Liêm, nơi tập trung khá nhiều trường đại học, cao đẳng như ĐH Mỏ – Địa chất, HV Tài Chính, CĐ Tài Nguyên Môi trường…, các cửa hàng cầm đồ cũng mọc lên nhan nhản. Tình trạng trộm cắp tại các khu nhà trọ của sinh viên cũng ở mức đáng lo ngại.
M. K43 sinh viên học viện Tài chính trọ tại “dốc 2000” ngay cạnh trường vừa mua được một chiếc laptop trị giá gần 20 triệu đồng, nhưng vừa ra ngoài ăn cơm 30 phút, khi quay lại phòng trọ thì M. đã phát hiện cửa phòng bị bẻ khóa, còn laptop thì không cánh mà bay.
Các sinh viên của khu vực này cho biết, phải đến 70% sinh viên ở đây ít nhất một lần mất điện thoại.
Ông Phạm Thanh Nghì phân trần thêm: “Ban quản lí cũng đã tìm đủ mọi cách rồi nhưng do địa hình của trường giao quá nhiều con đường nên vấn đề ngày càng phức tạp hơn. Cách tốt nhất hiện nay chính là tự các sinh viên phải bảo vệ mình và đồ đạc cá nhân của bản thân. Sinh viên tự giác tố cáo những thành phần ở chui và tố cáo kịp thời hành vi đánh người của những đối tượng xấu diễn ra ở KTX”.
Theo VNN