KTĐT – Theo quy định mới tại NĐ số 23/2009/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/5/2009, các trường hợp đang thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước nếu thực hiện chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn nhà ở mà không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà sẽ bị phạt rất nặng.
Phạt 30 triệu đồng nếu chuyển nhượng
Hà Nội có tới 5,5 triệu m2 nhà thuộc sở hữu Nhà nước với khoảng 185.000 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, quỹ nhà do các cơ quan hữu quan quản lý khoảng trên 2 triệu m2, tương đương 75.000 căn hộ. Còn lại là quỹ nhà thuộc các cơ quan Trung ương và thành phố tự quản lý. Kể từ khi chưa có Nghị định 61/CP, hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền thuê nhà đã hình thành. Đó là nhu cầu xuất phát từ thực tế cuộc sống.
Qua gần nửa thế kỷ, không thể đếm hết được các giao dịch dân sự liên quan tới quỹ nhà này. Tuy nhiên, kể từ 1/5/2009, theo các quy định tại khoản 3, Điều 53, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, các loại giao dịch dân sự liên quan tới quỹ nhà Nhà nước, nếu không được sự chấp thuận của cơ quan chức năng, sẽ bị coi là phạm luật và bị phạt rất nặng. Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với người thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê lại, cho mượn nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà. Người sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước mà cơi nới, sửa chữa, cải tạo nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà bị phạt từ 20 – 30 triệu đồng. Hành vi lập hợp đồng giao dịch giả tạo về nhà ở cũng bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng
Chưa rõ phạt ai, ai phạt?
Nếu chiểu theo các quy định trên, Hà Nội sẽ có rất nhiều trường hợp bị phat. Bởi, từ trước tới nay, Thành phố vẫn cho phép người dân chuyển nhượng, mua bán. Theo các quy định tại QĐ số 62/2000 do UBND TP ban hành, thì các hộ gia đình đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, khi có nhu cầu xin được chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cho nhau; nếu căn hộ hoặc ngôi nhà đang được thuê không có tranh chấp, khiếu kiện, thì được phép sang tên chuyển nhượng. Thành phố còn quy định thu phí đối với các đối tượng này với khoản lệ phí chuyển nhượng bằng 1% tổng giá trị nhà và đất. Người nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê nhà ở cũng được phép mua nhà theo quy định tại Nghị định số 61/CP. Ngay các các trường hợp chuyển nhượng nhiều lần, nhiều chủ cũng được ghi nhận với mức phí 50.000 đồng cho một lần chuyển dịch.
Đại diện Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cho biết, khi ấy, các bộ, ngành cũng đã bàn thảo và cuối cùng đồng ý với việc cho phép người dân được chuyển dịch.
Nói về các quy định tại Điều 53, Nghị định 23/NĐ-CP, ông Nguyễn Quốc Tuấn, phó giám đốc Sở Xây dựng tỏ ra băn khoăn: “Nói là phạt nhưng không rõ sẽ phạt ai? Phạt người bán hay người mua. Quyền phạt của Thanh tra, cơ quan quản lý nhà không có thẩm quyền, vậy làm sao bắt quả tang để phạt? Thêm nữa, đa số các trường hợp chuyển nhượng nhà đều từ 2 – 3, thậm chí hàng chục năm trước, vậy có hồi tố không, hay chỉ phạt với những giao dịch từ 1/5/2009? Với các giao dịch đã thực hiện trước 1/5/2009, nếu tiếp tục không đăng ký với cơ quan quản lý nhà thì có bị phạt không?”
Một số ý kiến khác cho rằng, quy định còn có hình thức xử lý phụ “buộc thực hiện đúng các quy định về giao dịch nhà ở” cũng sẽ rất khó thực thi. Bởi, nếu người bán hoặc người mua đã đi nước ngoài, không còn địa chỉ liên lạc hoặc đã chết thì người còn lại biết hoàn thành nốt giao dịch với ai?!
Rõ ràng, các cơ quan quản lý còn cần phải ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện việc này, sao cho thuận lợi và để người dân được an cư.
Hạnh Nguyên