“Liệu pháp kích cầu” về bản chất là việc chủ động sử dụng “Bàn tay Nhà nước” tác động tích cực tới tổng cung và tổng cầu xã hội một cách thống nhất, có tổ chức và có chủ đích, theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng, kích hoạt và tăng động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh đặc thù có sự suy giảm lòng tin và các động lực phát triển kinh tế gắn với các khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp…
Ðặc trưng của những công cụ được dùng chủ yếu trong “liệu pháp kích cầu” ở các nền kinh tế thị trường thường là: Áp dụng chính sách nới lỏng ở các mức độ khác nhau cả chính sách tài chính, lẫn tiền tệ và tín dụng, như miễn, giảm, hoàn thuế, tăng lương, tăng phát hành tiền và trái phiếu nợ Chính phủ, gia tăng quy mô và phạm vi các hoạt động chi tiêu công và đầu tư Nhà nước, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều kiện tín dụng, giảm lãi suất và tăng quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng,…; Gia tăng mức độ tự do hóa trong kinh doanh, giảm bớt và thu hẹp lĩnh vực độc quyền Nhà nước, mở rộng “room” (tỷ lệ sở hữu) của các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước; khuyến khích các hoạt động mua lại, sáp nhập và tái cấu trúc cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô…; Giảm bớt rào cản thủ tục hành chính các loại cho hoạt động kinh doanh và tiêu dùng; khuyến khích giảm giá, đồng thời có thể có sự gia tăng các hình thức bảo hộ phi thuế quan đi đôi với kiểm soát an toàn vĩ mô đối với thị trường nội địa… phương tiện chủ lực trong “liệu pháp kích cầu” thường là các “gói kích cầu” tức quỹ tài chính của Chính phủ trực tiếp chi cho các hoạt động kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội theo kế hoạch được các cấp có thẩm quyền định đoạt. trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, sự xuất hiện các “gói kích cầu” này là phổ biến ở các quốc gia, dù phát triển hay đang phát triển, lẫn ở các tổ chức khu vực và quốc tế như IMF, EU, ASEAN, với quy mô ngày càng tăng, từ hàng nghìn tỷ USD như ở Mỹ, hàng trăm tỷ USD như ở Nhật Bản, trung Quốc, Nga và các nước thành viên EU… Ở Việt Nam, “gói kích cầu thứ nhất” trị giá một tỷ USD đã được Chính phủ thông qua và sớm được giải ngân để hỗ trợ 4% lãi suất vay ngân hàng thương mại cho các khoản vay ngắn hạn dưới một năm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp đó, “gói kích cầu thứ hai” cũng đã được công bố với quy mô lớn hơn (tổng cộng hai gói trị giá 8 tỷ USD), cho vay dài hạn hơn (tới hai năm), điều kiện nới lỏng hơn (doanh nghiệp và cả HTX có vốn dưới 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 500 lao động, có thể nợ thuế và tín dụng quá hạn nhưng có dự án phù hợp thì vẫn được xét cho vay) và lĩnh vực cho vay cũng mở rộng hơn… Tuy còn cần thời gian, cũng như các số liệu cần thiết để tổng kết thực tế, phân tích khách quan hiệu quả của các gói kích cầu này, song trước mắt có thể dự cảm được một số tác động hai mặt nổi bật của chúng: Thứ nhất, “gói kích cầu” trước hết có hiệu ứng tâm lý tích cực, như một chiếc phao cứu sinh làm gia tăng tức thời lòng tin của các doanh nghiệp, các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm và quyền năng của Nhà nước trong giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước,… Thứ hai, “gói kích cầu” trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng với chi phí lãi suất rẻ hơn, từ đó giúp giảm bớt các chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá, tăng cạnh tranh và tăng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Thứ ba, “gói kích cầu” còn giúp các ngân hàng cải thiện hoạt động huy động và cho vay tín dụng của mình theo hướng: một mặt, ngân hàng không phải hạ thấp lãi suất huy động dễ gây giảm và biến động mạnh nguồn tiền gửi và huy động; mặt khác, cho phép ngân hàng mở rộng đầu ra nhờ không buộc phải nâng lãi suất cho vay dễ làm thu hẹp cầu tín dụng trên thị trường. Sự ổn định và hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng trong khi gia tăng dòng tiền bơm vào thị trường là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng các hoạt động đầu tư xã hội, mà cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện đang là bài học đắt giá nóng hổi. Thứ tư, “gói kích cầu” còn trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển xã hội cả hiện tại, cũng như tương lai. Thứ năm, ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ kịp thời của “gói kích cầu” đã có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và bảo đảm ổn định xã hội. Thứ sáu, những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại quốc gia được tài trợ từ “gói kích cầu” nếu thực hiện có hiệu quả cũng sẽ có tác động tích cực đến tăng dòng vốn chảy vào và mở rộng thị trường đầu ra cho doanh nghiệp và nền kinh tế, từ đó trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội đất nước… Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, sự lạm dụng và sử dụng không hiệu quả các “gói kích cầu” sẽ có thể gây ra một số hiệu ứng sau: Thứ nhất, làm tăng nguy cơ thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay, nếu không được giám sát chặt chẽ; gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng “đầu cơ nóng” với những hệ quả đắt đi kèm cho cả Chính phủ, doanh nghiệp, nâng hàng và xã hội nói chung khi các dự án vay đầu tư được lập ra có chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích vay; Thứ hai, nếu không chú trọng kiểm tra, giám sát sẽ làm tăng nguy cơ nảy sinh tham nhũng, thậm chí có thể xuất hiện nhiều loại tội phạm mới có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới các “gói kích cầu” này do sự bắt tay giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp trong việc lập các dự án vay ảo để chiếm đoạt vốn hỗ trợ từ “gói kích cầu”; do nguy cơ ngân hàng nhũng nhiễu doanh nghiệp để “ăn chia” phần vốn hỗ trợ trong khi thẩm định, cho vay vốn, làm tổn hại lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; Thứ ba, nguy cơ làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay theo “gói kích cầu” thiên về quy mô và thành tích, tức góp phần níu kéo, duy trì cơ cấu kinh tế, cũng như cơ cấu sản phẩm và thị trường kinh doanh lạc hậu, kém hiệu quả; đồng thời, làm gia tăng hoặc kéo dài tình trạng bất bình đẳng thị trường giữa các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế và các địa phương nếu không tuân thủ tốt các nguyên tắc minh bạch và bình đẳng trong triển khai các “gói kích cầu”; Thứ tư, đặc biệt, về trung hạn, tăng nguy cơ tạo áp lực tái lạm phát trong tương lai nếu sử dụng không hiệu quả “gói kích cầu” khiến gia tăng tích tụ cân đối hàng – tiền và vi phạm quy luật lưu thông tiền tệ. Ðể giảm thiểu các tác động trái chiều của “gói kích cầu” cần chú ý: Không “kích cầu” tùy tiện theo thành tích hoặc theo lợi ích ngắn hạn. Thực hiện tốt hơn việc lựa chọn hợp lý và công khai các tiêu thức, cũng như thuận lợi hóa các thủ tục giải ngân cho các dự án thuộc danh mục được kích cầu. Tập trung đầu tư cho các dự án sắp hoàn thành, đưa nhanh vào khai thác sử dụng các dự án có dung lượng và triển vọng thị trường tiêu thụ tốt, các dự án góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất và kinh doanh cần thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế, các dự án thúc đẩy chuyển dịch và cải thiện cơ cấu, sức cạnh tranh kinh tế theo hướng phát triển bền vững… Ðặc biệt, ưu tiên vốn cho các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng, nhất là các dự án có ý nghĩa tổng hợp cả kinh tế – xã hội và môi trường… Theo tinh thần đó, trước mắt, cần khuyến khích các dự án phát triển nhà ở xã hội, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội nông thôn, dự án phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp phụ trợ… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, kể cả bằng nguồn vốn trong gói kích cầu nhằm khơi thông thị trường vốn và thị trường tiêu thụ nước ngoài mới cho các doanh nghiệp trong nước; thực hiện cải cách hành chính cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa, dỡ bỏ những hạn chế lạc hậu về hạn điền, thời hạn giao đất…; khuyến khích xã hội hóa; mạnh dạn giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước; phát triển, hiện đại hóa và tự do hóa cao hơn thị trường vốn; tiếp tục quá trình cổ phần hóa và nới rộng hơn các tỷ lệ sở hữu tư nhân và nước ngoài trong các DNNN và cung cấp các hàng hóa tốt cho TTCK. Về trung hạn và dài hạn cần tăng cường sử dụng các công cụ chứng khoán hóa nợ thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước cũng như các công ty mua bán nợ Nhà nước khác để thực hiện các trợ giúp từ gói kích cầu của Chính phủ. Nói cách khác, cần giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp như hiện nay, để chuyển sang mở rộng việc Chính phủ thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, cũng như các công ty kinh doanh nợ khác tiến hành mua bán chứng khoán của các công ty cần hỗ trợ theo những định hướng lựa chọn phù hợp thực tiễn phát triển doanh nghiệp và mục tiêu kích cầu cụ thể cho từng giai đoạn. Cách thức này cho phép đưa sự hỗ trợ Nhà nước phù hợp các nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế, cũng như góp phần phát triển thị trường tài chính trong nước… |
Cần nhận rõ ưu điểm và tác động tiêu cực của “kích cầu”
68