Do tốc độ đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng tăng, nên nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng và nhu cầu của xã hội cũng tăng theo. Quy mô tuyển sinh trong các trường thuộc Ngành hàng năm tăng 5 – 10%. Hiện nay các cơ sở đào tạo trong Ngành đã được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng đã được nâng cao về trình độ để từng bước mở rộng quy mô tuyển sinh cũng như chuyên ngành đào tạo. Tuy vậy, do nhu cầu nguồn nhân lực ngành Xây dựng rất lớn, nên các trường vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng cán bộ và lao động kỹ thuật cho DN và xã hội, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật những nghề nặng nhọc. Theo đánh giá của các chuyên gia thì, mặc dù đã được đầu tư, có chính sách thu hút học sinh nghề nhưng tâm lý nghề nghiệp vẫn ảnh hưởng nặng tới học sinh. Các nghề hàn, điện nước thường có đầu ra nên thu hút được học sinh; còn nghề nề, bê tông lại không đủ chỉ tiêu do nhiều người quan niệm nghề này không cần học. Chủ trương xã hội hoá và chuyển các trường dạy nghề về trực thuộc các DN tạo điều kiện cho công tác đào tạo nghề phát triển cả về quy mô tuyển sinh lẫn chất lượng đào tạo. Các DN có trách nhiệm nhiều hơn với trường và ngược lại, các trường cũng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của DN. Tuy nhiên, trên thực tế, trường thuộc DN nhiều khi phụ thuộc rất nhiều vào kết quả sản xuất kinh doanh và kế hoạch phát triển của DN. Quan niệm đầu tư bằng ngân sách Nhà nước hơn hẳn đầu tư của DN nên đã tạo ưu thế cho các trường thuộc Bộ. Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Ngành và nhu cầu xã hội, các trường đã mạnh dạn trong việc thực hiện đa dạng hoá hình thức đào tạo, đổi mới công tác tuyển sinh. Cụ thể, tổ chức đào tạo văn bằng 2 đối với hệ đại học; xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng và đại học để thu hút học sinh vào học các hệ trung học, cao đẳng…; liên kết với các đơn vị thuộc các lực lượng vũ trang, các địa phương, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn để tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại các đơn vị, địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai ký hợp đồng đào tạo đối với các trường thuộc DN và các trường thuộc địa phương để đào tạo nghề phục vụ các công trình trọng điểm, đặc biệt là các nghề thuộc nhóm nghề xây dựng là các nghề nặng nhọc, kém hấp dẫn nhưng lại có nhu cầu rất lớn. Thực tế hiện nay, các Bộ ngành gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý các hoạt động của các trường thuộc DN. Việc tuyển sinh đào tạo một số nghề như nề, mộc xây dựng, bê tông, cốp-pha, giàn giáo rất khó khăn, do các nghề này nặng nhọc, kém hấp dẫn, trong khi nhu cầu sử dụng các nghề này ở các DN xây dựng rất lớn. Để thu hút học sinh học nghề và nâng năng lực các trường thuộc DN, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị Bộ LĐTB&XH chủ động phối hợp với các bộ ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tài chính đối với các trường đào tạo thuộc các DN, trên cơ sở tạo điều kiện cho các trường hoạt động được thuận lợi; Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho những nghề nặng nhọc, độc hại, khó tuyển sinh, những vùng kinh tế khó khăn, đối tượng học nghề thuộc diện chính sách; đồng thời nghiên cứu lại thang bảng lương cho công nhân và các chính sách chế độ đối với trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về việc sử dụng lao động kỹ thuật của các DN phải qua đào tạo và có chế tài đủ mạnh để các DN có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho các cơ sở đào tạo. Nên có quy định bắt buộc các DN dành kinh phí khoảng 4 – 5% lợi nhuận để đào tạo nhân lực. Bộ LĐTB&XH cần sớm lấy ý kiến góp ý của các cơ sở đào tạo các chương trình dạy nghề hệ trung cấp, cao đẳng năm vừa qua để hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chương trình dạy nghề phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của xã hội. |
Cần thêm cơ chế cho trường thuộc doanh nghiệp
13