Đầu tư ít, móc cát, sỏi bằng những dụng cụ đơn giản và chỉ cần có… sức khỏe mà lợi nhuận lại cao, vì thế, những năm qua, người ta đua nhau “mổ bụng” sông Công để lấy cát, sỏi bán cho các chủ bến bãi. Với nguồn lợi “trời cho này” không chỉ có người dân sở tại mà còn thu hút dân tứ xứ đổ về thi nhau “xả thịt” sông Công. Nạn khai thác tràn lan không chỉ đe dọa đê điều, gây xói lở đất canh tác ven sông, thậm chí cả nhà cửa của người dân mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường thủy và an ninh trật tự tại địa phương.
Dòng sông Công, khu vực giáp ranh giữa ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Hà Nội, nhất là đoạn chảy qua xã Thuận Thành (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) và xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) là nơi giao nhau với sông Cầu nên cứ sau một mùa mưa lũ, khối lượng cát sỏi lại dồn về tích tụ rất lớn tại ngã ba này. Đây chính là nguồn sa khoáng tự nhiên và là nguồn lợi để “cát tặc” nhắm vào. Tình trạng trên cũng đã tác động làm biến đổi luồng lạch chạy tàu và sói lở bờ làm xê lệch hệ thống báo hiệu hướng dẫn giao thông đường thủy, khiến cho đơn vị quản lý đường thủy liên tục phải chỉnh sửa hoặc gia cố chân cột. Mặt khác, các phương tiện khai thác luôn cặp đôi, cặp ba trên luồng chạy tàu khiến cho các phương tiện vận tải đi lại hết sức khó khăn và luôn rình rập nguy cơ gây va chạm với các tàu hút. Chưa hết, tại các bãi bốc xếp cát sỏi hai bên sông khu vực giữa cầu đường bộ Đa Phúc (QL3) và cầu đường sắt Đa Phúc (tuyến Hà Nội – Thái Nguyên), các phương tiện vào bốc cát, sỏi thường xuyên neo đậu hàng ba, hàng 4 lấn chiếm luồng, gây cản trở giao thông. Tình trạng trên khiến cho các lái tàu vã mồ hôi vì sợ đâm, va vào các tàu chở cát tại các bến này. Anh Phạm Văn Cam (trú tại Phường Ngọc Châu, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) – Thuyền trưởng tàu vận tải HD-0478 chuyên vận chuyển xi măng từ Hải Phòng lên Thái Nguyên trên tuyến này cho biết, khi điều khiển phương tiện qua khúc sông này luôn phải nghiến răng – căng mắt đề phòng đâm va với các tàu hút. Nếu không may va vào tàu của họ (chủ yếu là bằng xi măng – lưới thép), dù chỉ bị sứt mẻ chút ít, cũng đã bị chủ tàu ăn vạ, bắt bồi thường. Còn chẳng may nó mà đắm thì rất lôi thôi, vì họ không chỉ bắt đền toàn bộ kinh phí trục vớt, mà các hỏng hóc, sứt mẻ trước đó họ cũng bắt mình phải chịu tất. Có trường hợp, lái tàu phải đền nguyên một chiếc tàu xi măng mới toanh trị giá gần hai chục triệu đồng cho họ (chủ tàu cát)! Theo chính quyền các xã này phản ánh, những người đến đây hút cát (kể cả chủ của những chiếc tàu hút cát, sỏi và nhân công trên tàu) là người địa phương nơi khác kéo đến. Mỗi lần đi hút trộm cát, sỏi cả một đội quân gồm các tàu cuốc và các sà lan hoặc tàu xi măng – lưới thép đi theo khá hùng hậu. Cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, cả đội quân hút cát rầm rộ kéo đến cắm vòi vào bãi và bờ sông Công thi nhau hút cát. Để bảo vệ đất đai, người dân của các xã có đất bãi ven sông tự rủ nhau ra canh giữ hoặc xua đuổi, song cũng không thể nào ngăn cản nổi. Và đã có không ít lần xảy ra xô xát, xung đột giữa người dân, với những chủ tàu và người làm trên tàu hút cát. Thế nhưng, phần thắng luôn nghiêng về phía những “cát tặc”, bởi sự lì lợm và không ngại dùng gậy gộc, gạch đá làm vũ khí chống trả hết sức quyết liệt của các “cát tặc. Và như thế, nạn khai thác cát, sỏi càng có điều kiện để ra sức hoành hành. Thậm chí, có xã, khi nhận được đơn phản ánh của nhân dân về nạn hút cát, sỏi, chính quyền xã đã huy động lực lượng công an xã vào cuộc. Nhưng ra đến bờ sông, lực lượng công an xã chỉ biết đứng nhìn vì không có phương tiện đi lại trên sông nước! Một vị lãnh lãnh đạo xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) cho biết, hoạt động khai thác cát sỏi ở đây xuất hiện từ rất lâu rồi, song nó chỉ rộ lên khoảng 5 – 7 năm trở lại đây do nhu cầu xây dựng nhà cửa, san lấp mặt bằng cho các khu công nghiệp trong khu vực, nên hàng ngày trên khúc sông này luôn có hàng chục chiếc tàu không số kéo đến hút cát cả ngày lẫn đêm. Hậu quả của nạn khai thác cát bừa bãi không chỉ gây sạt lở bờ bãi, đê điều và các công trình thủy lợi, tàn phá môi trường, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng lạch giao thông đường thủy. Để ngăn chăn vấn nạn trên, đã không biết bao nhiêu đoàn kiểm tra liên ngành cả trung ương và địa phương của ba tỉnh đến kiểm tra, ngăn chặn nhưng cũng không giải quyết được. Khi đoàn đến họ bỏ chạy, khi đoàn rút, mọi sự lại đâu vào đấy. Chẳng khác gì ném đá xuống ao bèo! Trước những bức xúc của người dân và chính quyền, gần đây, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và đặc biệt là nhờ sự giúp đỡ của nhân dân trong khu vực, liên tục từ đầu năm 2009 đến nay, các Đoàn công tác liên ngành của ba tỉnh đã đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm một cách quyết liệt, nên tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đã tạm lắng xuống. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng cát, sỏi không ngừng gia tăng, và các phương tiện khai thác vẫn ngày đêm rình rập, điều đó đồng nghĩa với việc luôn thường trực nguy cơ tái diễn vấn nạn khai thác trái phép. Bởi hầu như đã thành quy luật: Khi làm gắt, “cát tặc” tạm dừng, khi lực lượng liên ngành rút đi, “cát tặc” lại xuất quân! Tình trạng đó đã lặp đi, lặp lại trên khúc sông này, khiến cho nguy cơ sông Công lại tiếp tục bị “mổ bụng” là điều khó tránh khỏi. Thực trạng trên đã và đang rung lên hồi chuông báo động đến các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ba tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội và Bắc Giang, cần sớm có biện pháp mạnh tay hơn, có như vậy mới giải quyết triệt để tình trạng khai thác trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của người dân, trật tự an ninh trong khu vực, đặc biệt là nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường thủy trên tuyến sông này. |
Cảnh báo nguy cơ “cát tặc mổ bụng” sông Công
66