|
KTĐT – Tại Hội thảo “An toàn điện trong xây dựng dân dụng và công nghiệp” diễn ra ngày 5-5, các đại biểu tham dự nhận định, tình trạng mất an toàn điện trong xây dựng dân dụng và công nghiệp có chiều hướng gia tăng. Với hiện trạng điện ngày càng được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực như hiện nay, những tai nạn thương tâm về điện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với toàn xã hội.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2008, cả nước xảy ra 5.836 vụ tai nạn lao động, trong đó, tử vong do điện giật chiếm 22,64% số người chết và chiếm 26,7% tổng số vụ tai nạn. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2009, thống kê sơ bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, số vụ tai nạn lao động gây chết người tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê của Cục Kỹ thuật an toàn và môitrường công nghiệp – Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp trong nước để xảy ra gần 500 vụ tai nạn do điện, làm chết khoảng 400 người, hàng trăm người khác bị thương.
Thạc sĩ Lê Văn Khương – Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: “Nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến điện hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người sử dụng điện cẩn trọng và tuân thủ quy tắc an toàn”.
Điển hình như vụ tai nạn về điện xảy ra tại Hà Nội, đêm 13-4. Do bình nóng lạnh hở điện nên người giúp việc và cháu nhỏ, con của chủ nhà trên đường Nguyễn Hoàng Tôn (quận Tây Hồ) bị điện giật tử vong tại chỗ. Cũng trong ngày này, tại thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 2 vụ điện giật nguy hiểm. Nạn nhân Hoàng Thị Thanh Truyền đang đi xe máy qua địa phận quận Tân Phú thì bị đường dây trung thế rơi xuống vũng nước ngập, bắn vào chân dẫn đến tử vong.
Cũng theo ông Khương, Bộ Xây dựng đã khảo sát thực tế an toàn điện tại 12 công trình xây dựng khu vực phía Bắc và 12 công trình xây dựng khu vực phía Nam, kết quả cho thấy, không có công trình nào đạt yêu cầu an toàn về điện. Có công trình đạt yêu cầu về tiêu chuẩn dây điện thì không đảm bảo an toàn tủ điện, không có hệ thống tiếp đất…
Ông Khương cho biết: “Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành có nhiều điểm không còn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay của mạng điện công trình. Ngoài ra, việc hiểu rõ và áp dụng chính xác các hệ thống tiếp đất an toàn cho mạng điện trong công trình cũng còn nhiều hạn chế đối với các đối tượng liên quan”.
Trước đây, việc sử dụng điện trong tòa nhà đơn thuần là hệ thống cung cấp điện và chiếu sáng, nhưng hiện nay, ngoài hệ thống đó còn có hệ thống thông tin liên lạc, các hệ điều khiển tự động, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động… Các thiết bị này cần được lắp đặt đồng bộ, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn. Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm ở nước ta có khoảng 300 người chết do điện giật bởi hệ thống điện không đồng bộ.
Ông Nguyễn Việt Cường – Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy – Bộ Công an cho biết: “Trung bình, cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ cháy/năm, trong đó số vụ cháy do điện đứng thứ 2 sau số vụ cháy do bất cẩn khi sử dụng xăng dầu, khí đốt (năm 2008 chiếm 38,1%)”. Tuy nhiên, các đơn vị cung ứng điện năng mới chỉ lo khâu an toàn từ lưới điện đến cầu dao hoặc máy ngắt tổng, còn bên trong các gia đình, hệ thống điện được câu, mắc tùy tiện, chắp vá, không đảm bảo khoảng cách an toàn. Thậm chí, người dân sử dụng thân cây, lợi dụng địa hình để câu, móc điện.
Nhu cầu sử dụng điện và lắp đặt hệ đa dạng các hệ thống điện ở nước ta gia tăng nhanh chóng. Nếu không chú ý đảm bảo an toàn về điện, có thể rất nhiều tai nạn thương tâm khác sẽ xảy ra, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Theo ANTĐ