Trang chủ » “Cảnh sát địa chính”?

“Cảnh sát địa chính”?

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments










Từ ngày sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, những mảnh đất ven sông, ven hồ  đang trở thành mối quan tâm của các nhà kinh doanh địa ốc, bởi các cụ xưa đã nói “Nhất cận thị, nhị cận giang”. Nhà mà “cận giang” giờ đây không phải cho nhu cầu buôn bán sầm uất mà là cho phong thuỷ, cho môi trường thoáng mát, cho phong cảnh hữu tình, cho khả năng đầu cơ đất đai… Trong các con sông như dải lụa ấy, con sông Nhuệ có 74km chảy trên địa bàn thành phố là “cận thị” hơn, đáng quan tâm hơn cả.



Con số dưới đây là thống kê của Cty Thuỷ lợi Sông Nhuệ cho nên nó cũng chỉ mang tính cảnh báo về một thực trạng chứ không hề tạo ra một giải pháp trong tương lai: Trong những năm gần đây, số vụ xây dựng vi phạm công trình thuỷ lợi sông Nhuệ lên tới 5.400 vụ với tổng diện tích vi phạm khoảng 165 nghìn m2, trong đó chỉ khoảng 20% là xây dựng hợp pháp. Nếu như theo thiết kế, mặt thoáng của sông là 60m thì nay chỉ còn 40-50m… Theo các cán bộ của Cty cho hay thì với chức năng của họ, họ chỉ có thể lập biên bản và nhắc nhở, sau đó thông báo cho chính quyền địa phương. Còn theo cán bộ các địa phương thì do “bên thuỷ lợi” không phát hiện nên nhiều “việc đã rồi”, rất khó xử lý.



Sự việc lấn chiếm đất đai các vùng ven sông, hồ đã xảy ra triền miên từ hàng chục năm nay ở khắp mọi nơi mà sông Nhuệ chỉ là một ví dụ. Tại sao vậy? Thứ nhất, đất đai là công thổ quốc gia nên ai cũng nghĩ là nếu “cấu véo” được tý nào hay tý nấy, chẳng mất gì của ai. Thứ hai, đã nhiều năm, chính sách về đất đai không đồng bộ, không nhất quán, người ngay thường bị thiệt, người gian thì được lợi nên người gian ngày càng nhiều lên. Thứ ba, sự chồng chéo trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan Nhà nước nên xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc” ở nhiều nơi…



Có một điều đáng quan tâm nữa là dường như không mấy ai nghĩ rằng đây là tài sản XHCN. Trong Bộ luật Hình sự có hẳn một tội danh “Xâm phạm tài sản XHCN” hẳn hoi. Ai bị phát hiện lấy của cơ quan Nhà nước một vài chục triệu đồng mà xem, công an đến gô cổ ngay. Nhưng ở các vùng ven sông Nhuệ kia, hàng nghìn vụ lấn chiếm chẳng thấy bóng dáng công an đâu. Và chỉ ít thời gian nữa thôi, những mảnh đất lấn chiếm ấy, Nhà nước mà động vào lại phải đền bù tối mặt tối mũi, đâu chỉ vài chục triệu đồng.



Đất đai là tài sản quốc gia, mà là một tài sản cực lớn, rất cần có một lực lượng hành pháp đủ mạnh để bảo vệ. Có cảnh sát giao thông, có cảnh sát kinh tế, có cảnh sát môi trường… mà đất đai vẫn bị xâm chiếm triền miên. Nên chăng có hẳn một lực lượng cảnh sát địa chính? Chỉ cần giảm 1% số đất đai bị thất thoát kia cũng có thể đủ nguồn tài chính hoạt động cho một đội ngũ cảnh sát đông đảo.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.