Có nhiều lý do khiến tôi ngưỡng mộ và có phần yêu quý những người bán gạch. Nói chính xác, đó là những cán bộ kinh doanh gánh trên vai trách nhiệm khai mở và phát triển thị trường, giúp cho Cty sản xuất gạch, mở rộng thị phần, chắp cánh thương hiệu trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gạch ngói…
Sức ép đa chiều…
Đương nhiên! Nhà sản xuất luôn mong muốn tiêu thụ… vượt công suất. Nhà sản xuất luôn mong muốn thị phần của mình đè bẹp bạn hàng và vươn tới những chân trời mới. Nhà sản xuất – ngay cả trong giấc ngủ cũng ấp iu những giấc mơ có cánh về giá bán lọt Top… đầu bảng và không muốn tồn kho bất cứ mét vuông nào. Nhà sản xuất cứ muốn, và muốn…v.v..
Do đó, “đội quân kinh doanh” – những anh chàng bán gạch – thông qua quá trình “chọn lọc tự nhiên” luôn là đội quân tiền phong xông pha trận mạc, thực hiện những ước muốn cháy bỏng ấy. Gạch bắt đầu dồn toa, giám đốc lập tức nhắc nhở, nhẹ thì vỗ vai, nặng thì đưa ra cuộc họp: “Này, nội trong 1 tháng, phải giải phóng mặt bằng lưu kho, tính thưởng phạt theo doanh số”. Quân lệnh như sơn! phàm đã là anh bán gạch, sinh ra bản tính tự trọng nghề nghiệp ngút trời mây, mà thói đời gọi nôm na là có đôi chút sĩ diện, nên dứt khoát không muốn bị ai “động chạm”.
Ra đến thị trường, nếu đúng phải cơn cả làng cùng ế, không có đầu ra, cất công đi chào mời thật không còn có gì… chai mặt hơn. Thoáng vừa thấy chị đại lý đã đon đả: “Chị gái dạo này da dẻ ngon đấy! Thằng em mang cam Vinh biếu chị đây, nhiều vitamin C rất tốt nhé”. Bà chị thấy thương lại, hiểu ý đẩy cho một vài xe hàng.
Lúc sốt lạnh khổ một thì lúc khan hàng còn khổ gấp mấy lần. Thoạt nghe thật khó tin. Khan hàng thì vểnh râu lên mà bán mới đúng chứ? “Không đâu, lúc thị trường khát cũng là lúc quyền lợi sát sườn của các đại lý bị ảnh hưởng. Thôi thì mặt nặng, mày nhẹ: “Lúc khó tiêu thụ thì đây ra tay nghĩa hiệp, bây giờ không khẩn trương thu xếp vài xe, tới lúc ế đừng có mà nằn nì…”. Đã hết đâu, chỉ cần công trình thiếu vài ba viên gạch do chủ thầu tính toán không chuẩn xác, có khi phải lóc cóc chở xe máy từ Tp.HCM về đến Bình Dương mà không được so đo tính toán thiệt hơn, tất cả để thiết lập uy tín dịch vụ, xây đắp nên mối quan hệ bền vững giữa Cty và các nhà phân phối..
Hiểm nguy hiện hữu – Vinh quang thầm lặng
Anh Nguyễn Quang Mâu, Tổng giám đốc Cty VIGLACERA Hạ Long vẫn nói: “phải thông cảm với dân kinh doanh. Đi bán hàng là đối mặt đủ thứ hiểm nguy. Đừng thấy họ vui vẻ khắp chốn cùng nơi mà nghĩ họ la cà chơi bời. Đừng nhìn cách họ tiêu tiền mà tưởng tiền bạc đến với họ dễ dàng!” Nói như thế, là ông sếp Cty ấy thực sự hiểu và thông cảm nỗi niềm dân kinh doanh. Một chàng bán gạch phụ trách địa bàn các tỉnh Đông Bắc cho hay, nhiều khi đi đêm về hôm, trong cốp xe máy là cả trăm triệu đồng thu của đại lý. Một mình đi trên đường rừng, mưa gió, rét lạnh thấu xương, thèm cốc trà nóng nhưng định dừng lại lo… cướp! Một anh chàng khác, đi thu nợ tiền hàng một vòng các đại lý ở miền Nam ra, tạm nghỉ ở Hà Nội, mặt mũi cứ ngẩn tò te, đến đi… WC cũng không dám. Hỏi tại sao, ấp úng như ngậm hột thị, tay xua xua bí hiểm chỉ vào anh taxi. Hóa ra có gần 5 tỷ tiền hàng trong catap, sợ rò rỉ thông tin sẽ nguy hiểm trên chặng đường về Cty còn dài cả trăm km… Chính vì lẽ đó, những Cty nào ăn nên làm ra, họ luôn khuyến khích dân kinh doanh đi làm bằng ô tô riêng, thậm chí Cty còn tạo điều kiện bán thanh lý ôtô cũ để anh em giữ sức khỏe, an toàn cũng như để công việc kinh doanh thật sự năng động, thuận tiện…
Với các đầu mối chân rết bán hàng, ắt không thể không thiết lập những cuộc giao lưu thường xuyên, thân tình, ấm áp. Dĩ nhiên phải có đôi ba chén đi kèm, rất hại lục phủ ngũ tạng. Nhưng đã là dân kinh doanh thì phải chấp nhận. Thế nên việc đi uống rượu với đối tác, đại lý còn được gọi là “đi bán gạch!”. Có một thủ lĩnh bán gạch kể rằng, có lần trước khi gục xuống, anh cố ngẩng lên để “điểm quân”, 17 chú đã ngã, anh biết chắc anh là kẻ thứ 18! Biết chả để làm gì, nhưng vui! Vui vì bán được gạch, nên phải “đi bán gạch” để tiếp tục bán được gạch!
Bán được gạch đã khó, tìm cách thu tiền được giữa lúc cả làng đều đua nhau bán chịu vì suy thoái kinh tế ảnh hưởng thời lại khó hơn. Và bản lĩnh, tài hoa của các chàng bán gạch khác nhau chính ở những giờ phút nước sôi lửa bỏng như thế. Một “soái” bán gạch tung một chiêu vô tiền khoáng hậu. Anh viết một bức thư gửi các đại lý. Bức thư không hề nhắc đến một chữ “tiền”, càng tuyệt nhiên không có chữ “đòi nợ”. Thế mà có đại lý đọc xong… rơi nước mắt, lẳng lặng thu xếp tiền đi trả. Các đại lý khác điện thoại tới tấp về chốt một câu: “Anh sẽ thanh toán ngay!”. Thế mới hay, từ tình yêu nghề tha thiết, dân kinh doanh trở thành “cầu nối” biến các đại lý trở thành một phần máu thịt của nhà sản xuất, để rồi cùng giúp nhau làm giàu và cùng nhau chia sẻ lúc nguy nan! Từ những nỗ lực thầm lặng, họ góp sức làm giàu cho Cty, cho tập thể, cho các đại lý máu thịt. Họ biết viết hoa một cách trân trọng nhất cái danh từ chung vô cùng giản dị, tên Chàng Bán Gạch. |