Chính phủ chỉ đạo một số vấn đề kinh tế cấp bách

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết 26/NQ-Cp về phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục có chuyển biến tích cực.


“Kiểm soát tình trạng tăng giá đất và nhà ở bất hợp lý trong thời gian qua…”

An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng: “Nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn cần được quan tâm xử lý”. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước, trước hết là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có các chính sách, giải pháp ứng phó phù hợp, can thiệp kịp thời nhằm bình ổn thị trường, giá cả. Đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường quản lý thị trường, giá cả, giám sát việc thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa, đăng ký giá, kê khai, niêm yết và bán theo giá niêm yết; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình tăng giá đất và nhà ở, nhất là ở khu vực Hà Nội và một số thành phố lớn, có giải pháp kiểm soát tình trạng tăng giá đất và nhà ở bất hợp lý trong thời gian qua; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, vi phạm các quy định về quản lý giá, các trường hợp thao túng và tung tin nhằm đẩy giá đất và nhà ở lên cao. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; giảm dần mặt bằng lãi suất; kiểm soát ổn định tỷ giá; tăng dự trữ ngoại tệ… Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan bằng mọi giải pháp sử dụng tối đa công suất của các nhà máy điện để đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Nghị quyết nhấn mạnh, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách, phấn đấu tăng thu để bảo đảm các nhu cầu chi tiêu cần thiết và giảm bội chi ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả các khoản chi ngân sách; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hải quan để rút ngắn thời gian thông quan và giảm chi phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu. Chính phủ cũng yêu cầu phải xây dựng chiến lược vay nợ và trả nợ quốc gia giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn giai đoạn 2030 – 2050, trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 9.2010.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *