Không quá ồn ào, náo nhiệt, không nhiều hàng hóa như chợ tết ở thành phố, chợ tết quê tôi vẫn có những hương vị riêng mà mỗi lần có dịp về quê, tôi đều rất háo hức được cùng bà đi chợ tết.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng đến dịp cuối năm được nghỉ tôi lại về quê ngoại. Quê tôi là một làng nhỏ thanh bình ven sông Lam. Mỗi lần về quê, cái thú nhất của tôi là theo bà đi chợ tết. Quê nghèo nên chợ quê cũng vậy, chợ nằm ở đầu làng, đường vào sục lên những lớp bùn nâu quánh trộn lẫn phân trâu phân bò trơn lẫy. Chợ được dựng lên bởi những căn lều tranh lụp xụp, bốn phía trống hoác. Cứ mỗi đợt gió đông bắc thổi mạnh những căn lều đều rung lên bần bật, cái rét cứ thế phả thẳng vào mặt người mua cũng như kẻ bán. Chợ quê ngày tết không nhiều hàng hóa đẹp, xa xỉ như ở thành phố nhưng cũng đủ các mặt hàng để người dân chuẩn bị cho một cái tết vui vẻ quây quần bên người thân với những món ăn truyền thống. Đây này, thúng gạo nếp trắng muốt mà các bác, các dì mới xát hôm qua, đây mẻ cá chép vừa bắt dưới sông Lam lên còn phơi bụng trắng hếu, giãy đành đạch trên mấy cái mẹt. Và đây những tàu lá dong xanh mướt vừa mới đem về sáng nay còn nguyên lát cắt, những bó chè xanh vừa mới hái từ vườn ra còn thơm nguyên mùi lá… Còn đây, những tảng thịt lợn, thịt bò đỏ au bày la liệt trên những tàu lá chuối vừa mới hơ vội qua bếp lửa tờ mờ sáng nay cho khỏi rách. Đây nữa, những lọ tương bần một đặc sản nổi tiếng của người dân Nam Đàn quê tôi. Món tương truyền thống không biết có tự bao giờ, do ai làm ra nhưng công thức của nó được truyền đạt tới ngày nay, giờ trở thành niềm tự hào của người dân quê tôi. Tương Nam Đàn thường được dùng để làm nước chấm với rau khoai, rau muống luộc, nước tương cũng có thể chan ăn trực tiếp với cơm. Nếu là nước tương để chấm các loại rau luộc thì chỉ cần cho ít bột ngọt, ớt cay và tỏi để thêm đậm đà, nếu chấm thịt luộc thì giã thêm ít gừng cho vào sẽ có mùi vị rất đặc trưng, đảm bảo ăn một lần là nhớ mãi. Món ăn mà tôi khoái nhất mỗi lần về quê là cá đồng kho tương cùng lá nghệ. Với người dân quê tôi, ngày tết khi ăn thịt me, thịt bò luộc mà không có tương Nam Đàn là không đúng vị. Tương là món quà đạm bạc nhưng rất quý cho khách xa về thăm quê mỗi dịp tết. Bởi vậy, mỗi lần về quê lúc nào tôi cũng mua một ít về dùng cũng như làm quà cho bạn bè. Chỗ kia là những hàng câu đối, hàng quần áo, hàng giày dép khiến một góc chợ rợp màu sắc. Người lớn tuổi chăm chú đọc từng câu từng chữ các vế đối mong tìm cho mình một cặp câu đối ý nghĩa treo trong dịp tết. Người dân quê tôi nghèo nhưng rất hay chữ bởi vậy chơi câu đối là một thú vui tao nhã trong những ngày tết. Các thiếu nữ má hồng thì dán mắt vào những đôi giày, đôi dép, những bộ quần áo đủ màu sắc để sắm một bộ cánh hợp ý du xuân cùng bạn bè. Vui nhất vẫn là lũ trẻ, chúng vây quanh hàng bán đồ chơi, tha hồ ngắm nghía những món đồ mà mình yêu thích với mong muốn mình sẽ được người lớn mua cho một thứ để chơi trong dịp tết. Chợ quê ngày tết khác hẳn với chợ ở phố, bởi bên cạnh tiếng mặc cả, mua bán hàng hóa là những lời thăm hỏi nhau rất thân mật “Thằng lớn làm ở miền Nam có về quê ăn tết không o?”, “Con bé học năm thứ mấy rồi cậu?”… Chợ quê tôi là vậy đó, ấm áp tình quê. |
Chợ tết quê tôi
33