Mỗi năm Nhà nước đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho đầu tư xây dựng, hàng trăm công trình mới sẽ được mọc lên. Nhưng đi theo nó là mối lo về chất lượng. Có người hỏi, vì sao vậy? Về nguyên tắc, chủ đầu tư là người chủ đồng vốn bỏ ra để xây dựng công trình. Vì vậy, họ là người đưa ra các yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng cho các nhà thầu (bên B) trong quá trình lập dự án, khảo sát, thiết kế, đến giai đoạn thi công xây lắp và vận hành bảo trì. Vậy họ chính là chủ thể quan trọng quyết định chất lượng công trình xây dựng. Đối với chủ đầu tư là vốn của tư nhân, của nước ngoài (nhà tư bản), đồng tiền bỏ ra từ túi riêng của họ nên việc quản lý dự án nói chung cũng như quản lý chất lượng nói riêng của cả quá trình đầu tư được hết sức quan tâm (từ thẩm định dự án, duyệt hồ sơ thiết kế, đến thi công xây lắp, bảo trì). Như công trình xây dựng khách sạn Deawoo, Sofitel, Vincom Park Place… các “ông chủ” tư nhân hiện đã thuê những tổ chức tư vấn hàng đầu để thực hiện giám sát chất lượng cho mình. Với nguồn đầu tư từ vốn Nhà nước, chủ đầu tư hiện nay không phải là chủ đồng tiền. Thực chất họ chỉ được Nhà nước ủy nhiệm để quản lý vốn đầu tư xây dựng. Tức là, họ không phải chủ đầu tư thực sự, mà là được thành lập thông qua quyết định hành chính. Do vậy, hiện nay có tình trạng nhiều nhà đầu tư (Nhà nước) không có đủ năng lực, trình độ, thiếu hiểu biết về chuyên môn xây dựng, làm kiêm nhiệm, vẫn được “trao quyền” quản lý nguồn vốn đó. Thế nên, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã bị các “ông chủ hờ” sao nhãng. Do còn lẫn lộn giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh nên nhiều khi đồng vốn của Nhà nước không trao đúng vào tay người có năng lực, dẫn đến thất thoát, lãng phí, chất lượng công trình không bảo đảm. Nhiều nhà khoa học đã tổng kết, đầu tư 1 đồng vốn cho bảo trì bằng 5 đồng cho đầu tư mới (nhằm bảo đảm chất lượng công trình trong suốt giai đoạn sử dụng hoặc kéo dài niên hạn sử dụng). Nhưng do không được quan tâm đúng mức, nhiều công trình đã xuống cấp nhanh chóng. Nguy hiểm hơn, ở các chung cư, các công trình phúc lợi công cộng (bệnh viện, trường học…) chủ đầu tư đã không có kế hoạch nguồn vốn để thực hiện bảo trì, khiến tuổi thọ công trình xuống cấp nhanh chóng, gây lãng phí tiền của Nhà nước mà chẳng ai chịu trách nhiệm. Cũng là chủ đầu tư, tại sao nhà ở của Phú Mỹ Hưng, Ciputra… người ta đến mua rất đông. Còn nhà ở dùng đồng vốn Nhà nước như nhà tái định cư, nhà ở chính sách… thì người dân chẳng mặn mà. Người ta bỏ tiền túi ra để kinh doanh thì họ phải đem đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất. Phải có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm để giữ uy tín. Còn nếu không phải là tiền của mình, thì người ta chỉ làm thế thôi, chất lượng thế thôi. Làm xong trao lại cho người khác. Thế là hết trách nhiệm. |
Chủ “hờ” – chất lượng “hờ”
69