Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại





Hơn 100 bức ảnh di tích và công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội.




Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại
Bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bên bờ sông Singapore,
nơi chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm năm 1933. Ảnh: Hồng Hà

Trong cuộc đời và sự nghiệp cạch mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới và đến nhiều đơn vị, địa phương trong nước. Ở đâu, Người cũng để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.




Với tấm lòng kính yêu Người, nhân dân Việt Nam và nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới đã gìn giữ những kỷ vật, những di tích và xây dựng nhiều công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.




Khu di tích lịch sử-văn hóa Ba Đình, bao gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội là khu tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam.




Tại các tỉnh, thành phố khác trong cả nước đều có các bảo tàng, nhà lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt tại những điểm Người đã từng sống và làm việc.




Nổi bật là Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An- Quê hương, nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Bến Nhà Rồng tại TP Hồ Chí Minh là nơi Người đã xuống tàu Đô đốc Latouche Trévilee ra đi tìm đường cứu nước.




Khu di tích Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng-nơi sau 30 năm Người bôn ba tìm đường cứu nước trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.




Khu di tích Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền, dẫn tới thắng lợi của cách mạng, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.




Nhiều địa phương ở trong nước, tuy chưa một lần được đón Người, nhưng vẫn xây dựng Bảo tàng và Nhà tưởng niệm. Để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1976, kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày Việt nam thống nhất đã quyết định đổi tên TP Sài Gòn thành TP Hồ Chí Minh. Tên Người được đặt cho các giải thưởng và huân chương cao quý của Nhà nước, cho các tổ chức chính trị…




Ở nhiều nước trên thế giới cũng có nhà lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng sống Montreal, thành phố Montreal, Cộng hòa Pháp có không gian trưng bày giới thiệu về Hồ Chí Minh-một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng Sản Pháp.




Di tích ngôi nhà số 143 Đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên Việt Nam.




Di tích Nhà hợp tác ở Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanmom, Thailand là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và hoạt động trong việt kiều yêu nước. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường mang tên Người ở Thủ đô Matxcova, Cộng hòa liên bang Nga, nơi Người từng đến học tập và hoạt động trong tổ chức Quốc tế Cộng sản.




Tại trung tâm thành phố Cancutta, nhân dân Ấn Độ đã dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/1990). Dưới bức tượng còn khắc hai câu thơ của Người :”Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”.




Nhiều nơi, tuy chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện đến nhưng với tình cảm mến yêu Người, các công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được dựng lên như ở Madagascar, Mexico… Nhiều quảng trường, đường phố, trường học trên thế giới mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.




Những di tích và công trình trưởng niệm trong và ngoài nước được tái hiện qua hơn 100 bức ảnh của hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Tiến Bình, Nguyễn Khắc Thịnh và một số cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh được trưng bày tại cuộc triển lãm.




Bằng cảm xúc riêng và những góc nhìn tinh tế, chân thực, các tác giả bức ảnh trong quá trình đi công tác thực hiện nhiệm vụ không chỉ đem lại cho khách thăm quan vẻ đẹp bên ngoài của công trình và còn cảm nhận sâu sắc lòng kính yêu của nhân dân Việt nam và nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lãnh đạo xuất chúng, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.




 Tại phòng trưng bày cũng đã giới thiệu một số công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như một số nghiên cứu của tập thể cán bộ bảo tàng Hồ Chí Minh.




Triển lãm cũng bước đầu công bố những thành quả đầu tiên của Đề án “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh”, một trong những đề án trọng điểm của “Năm ngoại giao Văn hóa 2009” của Bộ Ngoại Giao.




Sau khi kết thức tại Hà Nội, triển lãm sẽ được mở tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.




Đây là cuộc triển lãm nhân kỷ niệm lần thứ 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam và đón Xuân Kỷ Sửu do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO-Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21-1 đến hết tháng 2-2009.




Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại
Xưởng cưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và hoạt động tại UDon Thani (Thái Lan).
Ảnh: Khắc Thịnh.





Nhà tù Victoria ở Hồng Kông, nơi Tống Văn Sơ (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
bị chính quyền Anh bắt giam trái phép. 1931-1933.
Ảnh :Khắc Thịnh.





Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ấp Đền Thờ, ấp An Thạnh Đông, Sóc Trăng.

Ảnh: Tư liệu bảo tàng Hồ Chí Minh





Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Định Hóa, Thái Nguyên.
Ảnh: Tiến Bình





Du khách thăm quan triển lãm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *