COMA – Anh là ai ?





Đã lâu lắm rồi, dễ đến gần 1/2 thế kỷ nay nhưng nhiều người vẫn còn nhớ như in khi biết bao nhiêu công trường, xí nghiệp đã xếp hàng chờ đợi để đón nhận những lô hàng được sản xuất ra từ các nhà máy cơ khí xây dựng: Liên Ninh, Cơ khí Gia Lâm, Cơ khí Đại Mỗ… Đó là những cỗ máy đùn, ép gạch, những chiếc xe cút kít, xe cải tiến phục vụ những công trình thủy lợi, xây dựng, giao thông, đường sắt. Những sản phẩm bằng thép đúc như: Băng tải, gầu vít và bi đạn nghiền cung cấp cho các nhà máy sản xuất xi măng.



Hàng vạn tấn thiết bị tinh sảo do COMA chế tạo được lắp ráp ở
nhiều công trình trọng điểm trên khắp đất nước


Tuy vậy, khi đất nước chuyển đổi cơ chế, Nhà nước không bao cấp, các nhà máy không còn đủ sức cạnh tranh do máy móc, thiết bị đã hết khấu hao, quá cũ kỹ lạc hậu. Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ Xây dựng đã tìm mọi biện pháp để tiếp sức dựng dậy ngành Cơ khí chế tạo mũi nhọn này. Như những luồng gió mới đã thổi bùng lên ý chí quyết tâm khôi phục uy tín, thương hiệu của tập thể CBCN ngành Cơ khí xây dựng, chỉ sau có 1 năm (năm 1997), chàng Phù Đổng mang cái tên mới – “COMA” ra đời. COMA là tên tắt dùng để chỉ thay cho tên gọi “TCty Cơ khí Xây dựng”. Như có phép nhiệm màu, những người thợ COMA đã nhận được nhiều việc làm từ những công trình lớn do đấu thầu thắng lợi. Tại Thanh Hóa, COMA 2 đã thành công vang dội bằng việc chế tạo, hàn lắp an toàn những chiếc bồn khổng lồ để chứa mật rỉ có kích thước rộng đến 40m, dung tích trên 12.000m3 cho Nhà máy đường Thạch Thành do người Thái Lan thuê chế tạo. Tại Bắc Ninh, Tập đoàn Mitsubishi thuê chế tạo và lắp đặt thiết bị một số hạng mục nhà máy kính nổi. Tiếp đến là một hãng công nghiệp của Pháp – Solivanventer tìm đến hợp đồng gia công hàng loạt quạt thông gió. Nhưng thành công nhất của COMA trong thời kỳ này là nhận được những hợp đồng lớn do các Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc), hãng Lurky (Đức) và hãng Densit (Đan Mạch) đặt hàng chế tạo và lắp ráp hệ thống ống dẫn khí, đường thải sỉ cùng hàng nghìn tấn thiết bị chế tạo tại chỗ đưa vào lắp đặt tại Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2.


Bằng nỗ lực của mình, COMA không chỉ vươn dậy mà từ năm 2000 đến nay, sản phẩm của COMA đã theo bước chân những người thợ cơ khí đến những công trình trọng điểm trên khắp đất nước. Có hàng vạn, hàng vạn tấn thiết bị tinh xảo được chế tạo và lắp ráp cho các nhà máy xi măng: Bút Sơn, Bỉm Sơn, Quảng Bình, Lạng Sơn. COMA đã có dấu ấn sản phẩm của mình tại các nhà máy nhiệt điện: Phú Mỹ, Nhơn Trạch – Đồng Nai; các nhà máy thủy điện: Kon Tum, Đăk Lăk, Hà Tĩnh, Bình Phước, Yên Bái.








Chàng Phù Đổng COMA ngày càng lớn mạnh hơn qua câu chuyện xuất khẩu gần 1 vạn tấn thiết bị ra nước ngoài.
5 năm lại đây, COMA đã đầu tư, xây dựng và thành lập thêm nhiều cơ sở chế tạo sản phẩm mới. Tại Thanh Oai – Hà Nội có Nhà máy Cơ khí thuộc COMA 18, tại KĐT Bắc Ninh là Cty COMA 26 – nhà máy này hiện đang là tâm điểm chế tạo thiết bị theo hợp đồng của một số hãng công nghiệp nước ngoài. Tại KCN Nội Bài là Nhà máy chế tạo sản phẩm và thiết bị nâng chuyển còn rất hiếm ở Việt Nam hiện nay.


Theo TGĐ Bùi Doãn Tạo, câu chuyện xuất khẩu gần 1 vạn tấn thiết bị ra nước ngoài trong các năm 2007, 2008 là “cú hích” mạnh để COMA phát huy nội lực, tăng cường phát triển năng lực chế tạo sản phẩm cơ khí tinh xảo bán ra thị trường trong nước và nước ngoài trong những năm tiếp theo. Ông Tạo thông tin thêm: Lực lượng công nhân Cty CP COMA 2 (đơn vị AHLĐ thời kỳ đổi mới) vừa dồn lực lượng lắp đặt thiết bị tại nhà máy thủy điện lớn ở Nghệ An, hiện đang nhận chế tạo hàng loạt vỏ máy biến thế công suất lớn – một sản phẩm mà nhiều năm qua đã phải nhập khẩu từ nước ngoài – cho ngành Điện lực.


Chủ tịch HĐQT Dương Văn Sơn cho biết: Thợ COMA hiện nay không chỉ dừng lại ở khâu chế tạo mà đã trúng thầu lắp đặt thiết bị toàn bộ cho các nhà máy xi măng, thủy điện công suất lớn như: Thủy điện Hương Sơn, Thủy điện Bản Vẽ 320MW; chế tạo và lắp đặt thiết bị các nhà máy xi măng mở rộng Bỉm Sơn, Bút Sơn và xây lắp toàn bộ dự án Xi măng Đồng Bành – Lạng Sơn do chính TCty COMA làm chủ đầu tư. Tại dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia vài năm trước, COMA cũng góp phần quan trọng trong việc chế tạo, cẩu lắp an toàn, thành công những thanh dầm siêu trường siêu trọng chưa từng lắp đặt ở công trình nào của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều năm tháng qua, người ta đã biết thợ lành nghề COMA đã chế tác thành công các giàn không gian lớn phục vụ cho các hội trường, khách sạn, sân bay, nhưng thành công ở dự án xây dựng Cung thi đấu điền kinh trong nhà tại khu vực Mỹ Đình đưa vào phục vụ thi đấu thể thao ASIAN Indoorgames 3 trong tháng 10 năm nay mới thực sự là một kỳ tích độc nhất vô nhị: Một giàn không gian bằng inox làm mái che cho toàn bộ nhà thi đấu dài tới 120m rộng 72m thật sự là niềm tự hào của thợ COMA, để lại sự tôn trọng và khâm phục không chỉ người trong nước mà cho cả những người nước ngoài. Dự án này không những kịp thời phục vụ thi đấu ASIAN Indoorgames 3 mà cũng là công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *