Còn chần chừ gì nữa?

1 Câu chuyện về hàng trăm người dân xã Quỳnh Hội, Quỳnh phụ, Thái Bình đã bắt nhân viên “nhà đèn” phơi nắng, đồng thời bao vây Chi nhánh điện để đòi được phân phối một cách công bằng… làm xôn xao dư luận mấy tuần nay. Đúng là chẳng hay ho gì và không thể cổ vũ cho cách phản ứng tiêu cực như vậy của người dân, nhưng câu chuyện vẫn gợi ra những điều phải suy nghĩ.

Cũng “hot” không kém vụ việc trên là chuyện Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng về việc xem xét trách nhiệm cung ứng điện của EVN, nêu rõ: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa không đồng tình với việc phân bổ sản lượng điện thiếu công bằng, thiếu công khai của EVN… EVN cần phải được kiểm điểm làm rõ trách nhiệm”. Chuyện chính quyền một tỉnh (mà thực ra là hàng loạt tỉnh, thành) phải “đâm đơn” lên “triều đình” để “kiện” một DN (dù to đến chừng nào) thì đúng là cũng lạ và càng rất đáng phải suy nghĩ.

Chung quy cũng chỉ tại thói (cơ chế) độc quyền!

 Chỉ có vị thế độc quyền mới tạo cho EVN một thứ quyền lực mà đến chính quyền các địa phương cũng phải vị nể như vậy!

2 EVN hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ chi phối các nguồn phát điện (hơn 60% công suất), là đơn vị duy nhất nắm hệ thống truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia; đồng thời giữ luôn độc quyền phân phối, bán buôn, bán lẻ điện đến tận hộ tiêu thụ.

Cho dù đã có rất nhiều những kiến nghị suốt hơn chục năm nay về việc cần phá thế độc quyền trong ngành Điện, của các chuyên gia trong nước cũng có mà của các nhà tài trợ, nhà tư vấn nước ngoài cũng có, nhưng vị trí độc quyền của EVN vẫn được duy trì và bảo vệ, bất chấp việc đó đã gây cản trở như thế nào cho công cuộc phát triển.

Người ta lo ngại nếu cải tổ EVN, Nhà nước có thể mất đi công cụ để điều tiết thị trường, không đảm bảo được lợi ích của phần đông dân số. Nhưng liệu có phải thế không? Hay chính cơ chế độc quyền đã làm EVN xơ cứng. Dù đầy quyền lực nhưng lại không đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước để rồi ngang nhiên tuyên bố “chúng tôi khẳng định là đã làm hết trách nhiệm”?!

3 Cũng cách đây gần 10 năm, thị trường viễn thông Việt Nam cũng nằm trong tình trạng độc quyền và yếu kém tương tự như ngành Điện hiện nay. Nhưng, sự mở cửa đã mang lại một bộ mặt hoàn toàn mới cho ngành viễn thông Việt Nam. Người dân được thụ hưởng rất nhiều lợi ích từ sự cải tổ đó. Và VNpT độc quyền ngày ấy, giờ cũng đã mạnh lên rất nhiều lần khi phải đẩy ra thị trường để cạnh tranh…

Còn chần chừ gì nữa?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *