KTĐT – Khởi công từ tháng 7/2008, tuyến đường trục kinh tế, xã hội Bắc – Nam khu vực phía Tây Hà Nội (nằm giữa sông Tích và sông Ðáy) đang hứa hẹn cơ hội phát triển giao thương của những vùng đất nghề giàu truyền thống của các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa và Phú Xuyên.
Không dừng lại ở đó, việc hình thành trục đường này còn được coi là một điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của Thủ đô trong tương lai, bởi dọc hai bên đường là quần thể khu đô thị mới Hà Tây Xanh gồm chuỗi các đô thị vệ tinh rộng hàng nghìn ha và được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh nhằm phục vụ cho quy mô dân số khoảng nửa triệu người.
Tổng mức đầu tư của dự án là 7.694.371.577.000 đồng theo hình thức BT với tiêu chuẩn đường phố chính đô thị, tải trọng thiết kế mặt đường là 12 tấn. Phần cầu có cấp công trình là công trình vĩnh cửu, cấp II và bảo đảm cấp động đất VII.Tập đoàn Nam Cường được giao làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, tuyến đường được chuyển giao cho Nhà nước sở hữu, quản lý, khai thác và sử dụng. Đổi lại, Tập đoàn Nam Cường sẽ được giao đất để thực hiện Dự án phát triển khu đô thị mới Hà Tây Xanh với chuỗi các đô thị vệ tinh là Thạch Phúc, Thạch Thất, Quốc Oai và Chương Mỹ. Điểm đầu của tuyến đường được xác định tại km 0 – ngã ba chợ Bãi (đường tỉnh 417), đê Vân Cốc, xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ; điểm cuối giao với đường Đỗ Xá – Quan Sơn (khoảng km 2 + 800).
Theo thiết kế, tuyến đường có chiều dài 63,32 km, mặt cắt ngang 42 m (6 làn xe cơ được bố trí hai bên, giữa là dải cây xanh phân cách rộng 5m) với tốc độ chạy xe cho phép là 80 km/h. Đoạn qua đô thị với tổng chiều dài 22 km, kéo dài từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6, có chiều rộng mặt cắt là 150 m với 18 làn xe cơ giới (trục đường chính rộng 42 m, mở tiếp sang hai bên là 2 dải phân cách rộng 18,25 m); được thiết kế dưới dạng công viên mở gồm 7 dải cây xanh và 8 dải đèn cao áp…. Ngoài tác dụng làm giảm ồn, bụi cho các khu đô thị hai bên, các dải cây xanh và hoa còn tạo cho tuyến đường sự hiện đại với thiên nhiên, cây cỏ. Tiếp đến mỗi bên đều được bố trí 2 tuyến đường đô thị với 6 làn xe. Với các tuyến đường đô thị liên thông này, việc di chuyển giữa các khu được thiết kế thuận lợi và không phải ra trục đường chính, nhờ đó bài toán tai nạn giao thông đối với dân cư nơi có đường cao tốc đi qua cơ bản được giải quyết. Toàn bộ hệ thống cống các hệ thống dây điện, thông tin liên lạc, cáp… đều được thiết kế ngầm và hiện đại (có cống thoát nước rộng 2,5m x2 m). Sau khi hoàn thành (dự kiến 5 năm xây dựng) tuyến đường này là một trong tuyến đường hiện đại nhất Việt
Mục tiêu đặt ra của dự án này nhằm kết nối mạng lưới đường trục hướng tâm Hà Nội như: Quốc lộ 32, đường Láng – Hòa Lạc, Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, hệ thống các tuyến tỉnh lộ và một số tuyến đường đang hình thành như đường trục phát triển Tây Thăng Long, trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ, đường Đỗ Xá – Quan Sơn, trục phát triển phía Bắc Hà Đông thông qua đường vành đai IV…. Khi hoàn thành, tuyến đường góp phần nâng cao hiệu quả mạng lưới giao thông của khu vực phía Tây Thủ đô và các tỉnh phụ cận, đồng thời giảm bớt lưu lượng xe lưu thông trực tiếp qua khu vực trung tâm thành phố. Tuyến đường cũng tạo sự kết nối các quốc lộ, mạng đường cao tốc các phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đến các tỉnh Đông Bắc và cụm cảng Hải Phòng – Đình Vũ.
Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng công tác GPMB đang được Tập đoàn Nam Cường kết hợp cùng các cơ quan chức năng để triển khai trên toàn tuyến. Đến nay, việc đền bù cho các chủ sử dụng đất thuộc dự án đang được tích cực triển khai. Như ở huyện Phúc Thọ chỉ còn 9 hộ chưa nhận tiền đền bù ( ở xã Long). Huyện Thạch Thất đã thực hiện xong thủ tục thu hồi đất trên bản đồ tổng thể tuyến tỉ lệ 1/10.000 đã chi trả được 9/14 tỷ đồng. Huyện Quốc Oai đã hoàn tất hồ thủ tục pháp lý và cắm mốc giới GPMB tuyến đường qua huyện. Huyện Chương Mỹ đã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý về thu hồi đất. Các huyện Ứng Hoà và Phú Xuyên đã xong thủ tục thu hồi đất, tiến hành cắm mốc, bàn giao mốc GPMB và thực hiện các bước tiếp theo.
Cácđơn vị thi công của Tập đoàn Nam Cường và các đối tác đang ngày đêm khẩn trương thi công trên toàn công trường, chia làm nhiều đoạn, nhiều mũi thi công để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng thực hiện tới đâu, tổ chức thi công ngay tới đó. Phấn đấu hoàn thành toàn bộ tuyến đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam Hà Nội trong qúy I/2013 – vượt tiến độ đã đề ra.
Minh Hoàng